Cẩn trọng khi cá tra "sốt" giá

22-02-2022 09:30|Quang Bách

Người nuôi vui mừng khi giá cá tra tăng mức kỷ lục, lên đến 30.000 đồng/kg song nếu thả nuôi ồ ạt sẽ lập lại chu kỳ rớt giá mạnh vào đầu năm 2023.

Những ngày này, tại nhiều khu vực ĐBSCL, cá tra kích cỡ 850 gram/con đến 900 gram/con có giá 27.000 đồng/kg đến 28.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên mức 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg đến 7.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 1 tháng.

Thông thường, chi phí đầu tư nuôi cho ra 1kg cá tra thương phẩm phải từ 22.000 đồng/kg đến 23.000 đồng/kg. Hai năm qua, do dịch COVID-19 nên giá cá tra xuống còn 19.000 đồng/kg đến 23.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng hoặc chỉ hòa vốn. Như vậy, với giá khoảng 30.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi có lãi tầm 5.000 đồng/kg.

Giá cá tra tăng cao đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo hồi trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân được đưa ra là do sau hai năm bị tác động bởi dịch COVID-19 khiến khu vực nuôi thua lỗ rất nhiều, dẫn đến một số đã nghỉ, trong khi số còn lại cũng không phát triển được, cho nên lượng cá nguyên liệu cung cấp cho thị trường không nhiều.

nuoi-ca.jpg
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cẩn trọng khi cá tra sốt giá. Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu tăng từ đầu năm 2022 đến nay, theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam là do thị trường tiêu thụ mặt hàng này có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại, trong đó, các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Đông Nam Á... bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng nhiều hơn ở phía các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, xuất khẩu cá tra hoạt động ổn định nên lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp chế biến cá tra tiêu thụ mạnh trở lại.

Tương tự, theo doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục và giá xuất khẩu cũng tăng theo. Nguyên nhân cốt lõi là nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo.

Hiện các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đang xuất khẩu cá tra phi lê sang một số nước EU với giá khoảng 3,5 USD/kg, thị trường Trung Quốc khoảng 3,2 USD/kg đến 3,4 USD/kg, riêng thị trường Mỹ do đòi hỏi chất lượng cao nên giá xuất từ 6 USD/kg trở lên…. Đây là mức giá cá tra xuất khẩu thuộc dạng cao nhất trong khoảng 2 năm qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức giá này đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, người nuôi ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giá cả thị trường luôn biến động, người nuôi đang chịu nhiều rủi ro, bởi lẽ, chất lượng con giống năm nay không cao, hao hụt 30% đến 50%, giá cả thức ăn cũng tăng vọt ngay sau Tết, từ đó khiến chi phí giá thành của cá tra tăng và giảm một phần tính cạnh tranh.

Giá cá tra tăng cao là tín hiệu mừng để nông dân khôi phục, phát triển ngành nghề nuôi cá tra. Mặc dù vậy, người nuôi cũng cần thận trọng, không nên vội vàng mở rộng diện tích khiến dư thừa sản lượng và dẫn tới giá sụt giảm. 

Để phát triển bền vững, các chuyên gia khuyến cáo, các hộ nuôi cá cần liên kết chặt với các doanh nghiệp, nhằm đưa ra phương án nuôi, thời điểm thu hoạch… hợp lý, chất lượng đảm bảo. Trong sản xuất cũng cần cân đối sản lượng cá tra vừa đủ hoặc thiếu một ít thì sẽ hạn chế tình trạng sụt giảm về giá.

Doanh thu quý I tăng mạnh, Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn báo lãi ‘lao dốc’

Thủy sản IDI đặt kế hoạch lãi năm 2024 tăng 3,1 lần, thông tin về kế hoạch trả cổ tức

'Nữ hoàng cá tra' lên kế hoạch bỏ túi 190 tỷ đồng cổ tức

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-trong-khi-ca-tra-sot-gia-131901.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cẩn trọng khi cá tra "sốt" giá
POWERED BY ONECMS & INTECH