TS. Doãn Hữu Tuệ, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn đang trên đà sụt giảm, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, thì sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy, chúng ta vẫn đang giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, mức tăng trưởng tín dụng vẫn thấp do sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu. Vậy giải pháp nào để tháo gỡ vướng mắc này?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, GDP quý I của Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhưng không cao
Ông Doãn Hữu Tuệ đánh giá, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là xung đột ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn đang gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở các nền kinh tế lớn dẫn đến suy giảm tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước.
Bên cạnh đó, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế vẫn gia tăng (Ngân hàng Credit Suisse có nguy cơ phá sản và buộc phải sáp nhập vào Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ; tình hình thị trường bất động sản khó khăn, doanh số bán nhà sụt giảm mạnh ở Mỹ, Canada, Trung Quốc…); những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng lớn và tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người dân trên toàn cầu.
Ở trong nước, chúng ta đã có những thời cơ, thuận lợi nhất định, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nền kinh tế tuy có độ mở lớn, nhưng quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao... nên chịu nhiều tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỉ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng… Trong khi đó, những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm, như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém... đã bộc lộ rõ nét hơn trong điều kiện khó khăn kéo dài.
Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 46-KL/TW ngày 23/12/2022 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế vĩ mô và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới và các nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023, trong đó nhấn mạnh phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
"Tôi cho rằng, việc tổ chức 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất; có xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; đặc biệt là quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản... đã giúp nền kinh tế đạt được kết quả khả quan, dù chưa cao, trong quý I", ông Doãn Hữu Tuệ nói.
Những chỉ đạo trên cho thấy, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong đó thu đủ chi, thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 632.500 tỷ đồng, bằng 39% dự toán, trong khi đã thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ giữa tháng 4; hiện xuất đủ nhập, 4 tháng đầu năm xuất siêu 7,56 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công tăng 15.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Với thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ hiện cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Bên cạnh những kết quả tích cực, chuyên gia Doãn Hữu Tuệ cho rằng, Chính phủ cũng nhìn nhận thẳng thắn những nguyên nhân và kết quả điều hành chưa đạt. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng...
Mặc dù số tuyệt đối tăng, nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.
Hạ lãi suất là đúng, nhưng cần ưu tiên hơn với doanh nghiệp sản xuất
Chiều 23/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ 25/5. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy 3 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này đã 2 lần điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Lần này, Ngân hàng Nhà nước không giảm trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, nhưng giảm trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng lần thứ 2 liên tiếp. Theo chuyên gia Doãn Hữu Tuệ, động thái này phát tín hiệu tích cực hơn cho thị trường về xu hướng lãi suất thời gian tới.
Một điều quan trọng nữa là các mức lãi suất cho vay qua đêm, cho vay tái cấp vốn giảm cũng là chỉ báo cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại với mức lãi suất thấp hơn và đó cũng là nỗ lực để kéo giảm chi phí vốn cho các ngân hàng.
"Trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn đang phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước lại chọn thời điểm này để hạ lãi suất. Tôi cho rằng, mặc dù còn nhiều rủi ro từ suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng lạm phát toàn cầu được dự báo đã đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt, lạm phát trong nước cũng tăng chậm lại, nguyên nhân một phần do sức cầu suy giảm khi kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ sụt giảm nhu cầu xuất khẩu trên thế giới. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống trong nước dồi dào, tỉ giá ổn định. Đó là những cơ sở để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt", ông Doãn Hữu Tuệ phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được xem là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong giai đoạn hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.
Chuyên gia phân tích thêm, lãi suất giảm sẽ có tác động gián tiếp đến tỉ giá theo hướng có lợi cho xuất khẩu. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại còn cao. Do đó, với sự quyết liệt giảm lãi suất huy động và lãi suất điều hành, trong tương lai gần, nhiều khả năng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.
"Thực tế thời gian qua, chính sách tín dụng của chúng ta còn dàn trải, chưa có ưu đãi rõ nét cho từng loại doanh nghiệp. Ví dụ, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông nghiệp… không có nợ xấu, không có khoản nợ vay quá hạn nào, đang có đơn hàng, thì cần phải nới lỏng điều kiện cho vay và ưu đãi về lãi suất. Hiện tại, với mức lãi suất vay cao, doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh với những doanh nghiệp ở những nước có mặt bằng lãi suất thấp hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người lao động, khả năng tạo công ăn việc làm khi doanh nghiệp phải chật vật cắt giảm nhân sự để bảo đảm có lãi", ông Tuệ phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác, như Nghị định 12/2023/N-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023; đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.
Chuyên gia này kỳ vọng những chính sách này sẽ góp phần kích cầu và giảm thiểu mức độ suy giảm tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, việc Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ góp phần giải phóng dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp tại Đồng Nai 'chơi lớn', chi 500 tỷ đồng thưởng Tết cho người lao động
Việt Nam lần đầu tiên đạt vị trí 56 trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu