Cảnh giác mua phải vé máy bay giả trong kỳ nghỉ lễ dài ngày

13-04-2023 14:32|Hải Chi

Cơ quan chức năng đã ghi nhận một số trường hợp hành khách mua phải vé máy bay giả từ các website, tổ chức, cá nhân... tự xưng là đại lý của Vietnam Airlines.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, Vietnam Airlines và các cơ quan chức năng ghi nhận một số trường hợp hành khách mua phải vé máy bay giả từ các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của Vietnam Airlines.

Để tránh bị lừa mua vé giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm đi lại như 30/4, 1/5 và du lịch hè tới đây, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, VASCO và Pacific Airlines) khuyến cáo hành khách mua vé trên kênh chính thức của các hãng hàng không.

Phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức sau đó quảng cáo mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán.

websitebanvegiamao1512-16813075936912006150528.jpeg
Một website giả mạo được thiết kế gần giống website chính thức của Vietnam Airlines.

Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Gần đây, một trường hợp khách mua vé khứ hồi nội địa cho gia đình 5 người qua một công ty. Khi đến sân bay check-in, khách mới biết công ty này chỉ đặt chỗ chứ không xuất vé, khách phải mua vé mới cho gia đình.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng một phương thức khác là sau khi nhận được tiền của khách vẫn xuất vé nhưng sau đó hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ.

anh-chup-man-hinh-2023-04-13-luc-09.54.19.png
Website chính thức của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách mua vé trên kênh chính thức của hãng để tránh bị lừa mua vé giả. Các kênh này bao gồm trang web chính thức, trên ứng dụng di động hoặc nhắn tin trực tiếp Zalo và fanpage (có dấu tick xanh) của hãng. Khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Đây là chứng từ dùng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bên cạnh đó, theo cơ quan công an, do nhu cầu mua sắm của người dân có sự thay đổi từ việc đến các đại lý vé máy bay để mua vé sang việc đặt vé online qua mạng Internet và các tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber… nên nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật những hình thức lừa đảo mới, tránh để tội phạm lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng người dân cần tích cực tố giác, phối hợp với lực lượng chức năng để tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

Nghỉ lễ 30/4 kéo dài 5 ngày, người lao động đi làm được hưởng lương thế nào?

Vé máy bay dịp Tết nguyên đán 2025 cao nhất 3,7 triệu, nhiều chặng bay hết chỗ

Vietnam Airlines trúng thầu 2 dự án đầu tư tại sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam

Theo Kiến Thức Đầu Tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/canh-giac-mua-phai-ve-may-bay-gia-trong-ky-nghi-le-dai-ngay-178331.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cảnh giác mua phải vé máy bay giả trong kỳ nghỉ lễ dài ngày
    POWERED BY ONECMS & INTECH