Xã hội

Cảnh giác với 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng

Trần Oanh 07/06/2024 - 17:07

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu – Cục Truyền thông, Bộ Công an khuyến cáo người dân đừng dễ tin bất cứ điều gì trên không gian mạng mà hãy nâng cao cảnh giác để tránh nguy cơ bị mất tiền oan.

Ngày 7/6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức Đối thoại – giao lưu trực tuyến – truyền thông chính sách chuyên đề “Những điểm mới về chế độ chính sách liên quan đến người lao động và cách nhận diện, phòng tránh lừa đảo qua mạng”.

Các chuyên gia tham dự Đối thoại – giao lưu trực tuyến – truyền thông chính sách do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức.
Các chuyên gia tham dự Đối thoại – giao lưu trực tuyến – truyền thông chính sách do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng diễn ra ngày càng tinh vi; không ít trường hợp, trong đó có đoàn viên, người lao động đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạn tài sản. Do vậy, tại chương trình này đã có nhiều đoàn viên, công nhân, người lao động gửi tới Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu – Cục Truyền thông, Bộ Công an những câu hỏi liên quan đến cách phòng tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội.

Đoàn viên công đoàn hỏi chuyên gia về cách phòng tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội.
Đoàn viên công đoàn hỏi chuyên gia về cách phòng tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, 99% án lừa đảo công nghệ cao thường không tìm được đối tượng lừa đảo, do nhiều nguyên nhân. Đối tượng gây án không nằm trong lãnh thổ Việt Nam, tài khoản mạng xã hội của đối tượng lừa đảo thường là tài khoản ảo.

Có 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepface, Deepvoice, dùng công nghệ cao để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền.

Các đối tượng còn dùng thủ đoạn giả mạo cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm ma túy, bí mật an ninh. Các đối tượng còn giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, DN như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm.

Ngoài ra, còn có các hình thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo có người gửi bưu kiện hoặc trúng thưởng, có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến cần có tiền ứng trước để rút tiền ra.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu còn chỉ ra các hình thức lừa đảo: SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo lấy cắp Telegram; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo “bẩn” trên facebook...

“Nhìn chung các thủ đoạn lừa đảo chủ yếu nhằm vào sự hám lợi và thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân. Vì vậy, người dân cần chú ý: cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu người dân làm việc qua điện thoại; cơ quan điều tra không bao giờ yêu cầu người dân phải đóng tiền qua mạng. Cơ quan chức năng làm việc với người dân phải ở trụ sở...”- chuyên gia Đào Trung Hiếu lưu ý tới đoàn viên, công nhân và người dân.

Vì thế, người dân không nên truy cập vào các đường link lạ. Dấu hiệu để nhận biết những trang website giả mạo là thường hay gặp lỗi chính tả. Dấu hiệu của một vụ lừa đảo là thường áp đặt thời gian để người dân thực hiện.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu thông tin về 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng để người dân cảnh giác tránh bị lừa.
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu thông tin về 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng để người dân cảnh giác tránh bị lừa.

Để phòng tránh bị lừa đảo qua mạng, người dân nên cập nhật thông tin an ninh trật tự hàng ngày; thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân như thông tin thẻ căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...

Khi cá nhân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.

Người dân không nên hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án,... Người dân không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”...

Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì người dân không nên kết bạn, bắt chuyện; không cung cấp thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.

“Người dân đừng dễ tin bất cứ điều gì trên mạng xã hội. Chúng ta cần chậm lại một nhịp để kiểm tra tất cả các thông tin trước khi có nguy cơ bị mất tiền oan” – Thượng tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo.

Người phụ nữ bị "bốc hơi" 2,5 tỷ đồng khi nghe điện thoại lạ

Cảnh giác chiêu lừa đảo cài app để được giảm thuế, hoàn thuế

Kết thúc điều tra vụ lừa đảo, rửa tiền tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/canh-giac-voi-24-hinh-thuc-lua-dao-tren-khong-gian-mang.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cảnh giác với 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS & INTECH