Cao tốc mà giới hạn tốc độ 80 km/h

15-07-2023 09:31| Vũ Điệp

Hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020) mới đưa vào khai thác chỉ được chạy tốc độ tối đa 80 km/h khiến chủ phương tiện không khỏi hụt hẫng. Tốc độ này chưa tương xứng với đường cao tốc.

Chậm hơn quốc lộ

Gần đây, tôi chạy xe ô tô cá nhân từ Hà Nội - Thanh Hoá trên cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn – QL45 (hơn 66 km). Dù luôn ý thức chấp hành chạy đúng tốc độ quy định tối đa 80 km/h, nhưng vì đường đẹp, lưu lượng xe vắng, tại một số thời điểm bon chân ga nên xe của tôi đã chạy lên 90 km/h.

 Thành thực mà nói, lái xe trên đường cao tốc Cao Bồ- Mai Sơn – QL.45 đường thông thoáng, đảm bảo khoảng an toàn nên xe chạy 90 km/h không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tốc độ này nếu so với quy định tối đa 90 km/h tại đường quốc lộ hiện nay thì vẫn đảm bảo an toàn hơn nhiều. 

Bởi lẽ, đoạn đường cao tốc này chỉ dành cho ô tô, không có nút giao đồng mức, nên chạy với tốc độ 90 -100 km/h trong điều kiện đường thông thoáng là điều rất bình thường.

Cao tốc Mai Sơn - QL.45 đường đẹp, lưu lượng xe thấp nhưng chỉ cho phép chạy tốc độ tối đa 80 km/h (Ảnh: Hoàng Hà)

Còn trên các tuyến quốc lộ gần khu dân cư, các dòng phương tiện ô tô, xe máy chạy hỗn hợp qua các nút giao đồng mức, xung đột giao thông nhiều nên nếu chạy 90 km/h người cầm lái sẽ rất căng thẳng, nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn. 

Thực tế, không phải đến khi cao tốc Mai Sơn – QL45 đưa vào khai thác chủ phương tiện mới phản ánh về bất cập quy định tốc độ tối đa 80 km/h là quá chậm. 

Trước đó, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (51 km) qua tỉnh Tiền Giang, khi đưa vào khai thác nhiều chủ xe đi đường cho rằng, tốc độ lưu thông chậm khiến việc khai thác không hiệu quả, gây lãng phí rất nhiều thời gian và tiền của, tăng chi phí logistics.

Theo giải thích của Bộ GTVT, các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 1 đã được xây dựng theo điều kiện khai thác với tốc độ 100 - 120 km/h khi hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trước mắt ở giai đoạn phân kỳ đầu tư với 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến nên hạn chế tốc độ 80 km/h để đảm bảo an toàn giao thông. 

Giải thích của Bộ GTVT không sai theo quy định. Tuy nhiên, với những người lái xe trên cao tốc thông thoáng, giới hạn tốc độ tối đa 80 km/h gây ức chế và quan trọng hơn là làm giảm hiệu quả của đường và nền kinh tế nói chung.

Đủ cơ sở nâng tốc độ lên 90 km/h

Vấn đề đặt ra, liệu cao tốc Bắc nam 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp có thể nâng tốc độ lên 90 -100 km/h đảm bảo lưu thông an toàn hay không?  

Theo Tiêu chuẩn 42:2022/TCĐBVN quy định, trong thời gian phân kỳ đường cao tốc có thể chấp nhận hạn chế tốc độ khai thác cho phép thấp hơn tốc độ của đường cao tốc trong tương lai, khi đã được xây dựng hoàn chỉnh. Việc lựa chọn tốc độ khai thác sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án tổ chức giao thông. Tốc độ khai thác cho phép phụ thuộc vào tình trạng thực tế của đường, điều kiện thời tiết, tình trạng giao thông. Trong mọi trường hợp, tốc độ khai thác tối đa không nên quá 90km/h.

Như vậy, việc xem xét nâng cao tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc Bắc Nam như: Cao Bồ - Mai Sơn – QL.45, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết…. hiện nay từ 80 lên 90 km/h là có cơ sở khoa học và gắn liền với thực tiễn. Khi tốc độ tối đa được nâng lên 90 km/h, phần lớn tài xế sẽ có xu hướng chạy trên 80 km/h, tốc độ lưu thông nhanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Cũng phải nói thêm, Thông tư 31/2019 của Bộ GTVT đã quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, theo đó tốc độ xe chạy phải phụ thuộc đường và lưu lượng xe trên đường. 

Do vậy, nếu quy định tốc độ tối đa cao tốc cho phép xe chạy 90 km/h mà lưu lượng lớn, thời tiết xấu thì lái xe phải chủ động giảm tốc độ, giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn. Điều quan trọng quyết định tốc độ xe chạy vẫn phụ thuộc vào quan sát tình huống thực tế trên đường của người điều khiển phương tiện.

Việc quy định nâng tốc độ lên 90 km/h không phải là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông nếu như người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông trên đường cao tốc như: Chạy đúng tốc độ, đảm bảo khoảng cách an toàn và đi đúng làm đường quy định.

Một đoạn đường cao tốc tại nước Đức (Ảnh: Vũ Điệp)

Tại Nhật Bản, nhiều tuyến đường hẹp với 4 làn xe rộng 3,5 m, không có làn dừng khẩn cấp, vẫn cho tốc độ xe chạy tối đa 100 km/h, tối thiểu 60 km/h. Vấn đề then chốt đối với người Nhật khi tham gia giao thông là ý thức chấp hành luật giao thông trên đường rất nghiệm. Hầu như không có tình trạng xe chạy quá tốc độ, chở quá tải, lấn làn trên đường… nên rất hiếm khi xảy ra tai nạn.

Ở Đức, hệ thống đường cao tốc gọi là Autobahn dài 13.000km có một số đoạn không giới hạn tốc độ. Chỉ ở một số khu vực như đô thị, đường có khúc cua gấp và nguy hiểm, người lái xe mới bị cấm đi nhanh hơn 130km/h.

Thế nhưng ngay cả khi đường Autobahn không quy định tốc độ, người lái xe vẫn phải chấp hành khoảng cách an toàn, giảm tốc khi dòng phương tiện thoát khỏi nút ra khác. Ý thức giao thông tốt luôn tạo cảm giác an toàn cho tài xế.

Thấy gì từ chi phí logistics quá cao

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới World Bank (WB), chi phí vận chuyển logistics của Việt Nam tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu.

Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến việc chi phí kho vận của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực, trong đó đáng kể là những nguyên nhân liên quan đến đường bộ.

Hàng hóa Viêt Nam phụ thuộc nhiều vào vận tải đường bộ so với đường sắt có chi phí thấp hơn để vận chuyển hàng hóa trên quãng đường dài. Do Việt Nam có địa thế trải dài nên chi phí vận chuyển sẽ khá lớn cho khoảng cách từ TPHCM/Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đa phần các hàng hóa tiêu dùng không nhập khẩu được sản xuất, tới những điểm phân phối ở miền Trung và miền Bắc. 

Ùn tắc giao thông do cơ sở hạ tầng đường xá chưa đầy đủ. Ví dụ, hạn chế tải trọng, cao độ gầm cầu trên những tuyến đường chính thường không phù hợp cho xe container lưu thông, cũng như chất lượng của nhiều con đường còn thấp làm giảm tốc độ lưu thông (vận tốc xe tải trong nội đô ở Việt Nam trung bình là 35 km/h).  

Chi phí logistics ở nước ta quá cao (Ảnh: Vũ Điệp)


 Xin nêu mấy nguyên nhân như trên để thấy rằng, giới hạn tốc độ trên cao tốc cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng trên.

Với cao tốc 4 làn hạn chế như cao tốc Bắc - Nam được nhà nước tập trụng nguồn lực đầu tư là nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, tốc độ lưu thông phải tương xứng với cao tốc thì mới phát huy được hiệu quả đầu tư. 


Cập nhật tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư – Vẫn còn đó ý kiến trái chiều

Chưa chấp thuận thu hồi 204ha đất để đầu tư cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cao-toc-ma-gioi-han-toc-do-80-km-h-2164934.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cao tốc mà giới hạn tốc độ 80 km/h
POWERED BY ONECMS & INTECH