Cao tốc đi qua ‘Đà Lạt thứ hai’ của Tây Nguyên, kết nối đến Lào sẽ trở thành đường nội tỉnh sau khi thực hiện sáp nhập
Tuyến đường sẽ kết nối khu vực miền Trung tới Tây Nguyên và đi thẳng đến khu vực tiếp giáp với nước bạn Lào.
Theo báo Quảng Ngãi, ngày 17/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Xây dựng), Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thủy lợi 7, UBND thị xã Đức Phổ, huyện Ba Tơ và các Sở, ngành liên quan để triển khai các bước chuẩn bị thực hiện dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án 85 đề xuất UBND tỉnh cho phép tiếp nhận các tài liệu nghiên cứu, khảo sát từ giai đoạn trước nhằm phục vụ công tác lập dự án. Dự kiến từ tháng 4/2025, Ban sẽ tiến hành khảo sát, phóng tuyến, rà soát các quy hoạch liên quan để điều chỉnh nếu xảy ra chồng lấn. Hồ sơ dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025 để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo thiết kế, cao tốc có chiều dài khoảng 136km, quy mô 4 làn xe, nền đường rộng từ 22 - 24,75m, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h. Tuyến sẽ đi qua thị xã Đức Phổ, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) và kết nối với cao tốc phía Tây tại tỉnh Kon Tum.
Điểm đầu tuyến đặt tại thị xã Đức Phổ, kết nối với tuyến cao tốc Bắc – Nam đang được xây dựng; điểm cuối kết nối với cao tốc phía Tây Kon Tum. Trên địa bàn Quảng Ngãi dự kiến có 3 nút giao, gồm 1 nút tại thị xã Đức Phổ và 2 nút trên Quốc lộ 24. Các vị trí này sẽ được lấy ý kiến địa phương trước khi xác định chính thức.
Ngoài tuyến chính, dự án còn dự kiến bố trí hai trạm dừng nghỉ, một nằm trước khu vực đèo Violắc thuộc huyện Ba Tơ và một trạm tại tỉnh Kon Tum.
>> Hiện trạng 18km cao tốc Bến Lức - Long Thành trước 'giờ G'
Tổng mức đầu tư sơ bộ toàn tuyến khoảng 35.395 tỷ đồng, chia thành hai đoạn. Đoạn Quảng Ngãi – Măng Đen dài 80,5km với vốn đầu tư 20.545 tỷ đồng; đoạn Măng Đen – TP. Kon Tum dài 55,5km, vốn đầu tư 14.850 tỷ đồng.

Dự án được kỳ vọng hoàn thành trước năm 2030 và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Không chỉ kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, tuyến cao tốc còn mở ra tuyến giao thông chiến lược kết nối trực tiếp với Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Đặc biệt, điểm giữa tuyến đi qua khu du lịch Măng Đen, nơi được mệnh danh là "Đà Lạt thu nhỏ" của Kon Tum hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng do hạ tầng giao thông hạn chế. Việc đầu tư tuyến cao tốc qua khu vực này sẽ rút ngắn hành trình kết nối giữa đồng bằng và Tây Nguyên, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án phù hợp với định hướng phát triển vùng Tây Nguyên theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong bối cảnh hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đang được nghiên cứu sáp nhập, tuyến cao tốc sẽ trở thành tuyến trục nội tỉnh, góp phần gia tăng hiệu quả đầu tư.
>> Đề xuất chi 22.000 tỷ làm một đoạn cao tốc nối Hà Nội với Thủ đô nước láng giềng
‘Đà Lạt thứ 2’ của Tây Nguyên sẽ hình thành đô thị, dịch vụ, du lịch hơn 4.300ha nằm giáp cao tốc
Cao tốc có địa hình phức tạp kết nối Tây Nguyên ra đến biển Đông sẽ xây 3 hầm xuyên qua 2 con đèo