Cập nhật thông tin dự án khu du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Tam Đảo
Theo báo cáo, Liên danh Sông Hồng Thủ Đô dự kiến sẽ thi công xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gần 36ha trong Vườn Quốc gia Tam Đảo vào giai đoạn quý I/2024–II/2025.
Liên danh CTCP Sông Hồng Tam Đảo - CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô vừa công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Theo đó, ngày 27/3/2023, Vườn Quốc gia Tam Đảo và liên danh nêu trên đã ký kết hợp đồng kinh tế cho thuê môi trường rừng để thực hiện Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí số 13 với diện tích thuê là 35,73ha.
Dự án được thực hiện trên địa phận xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc và xã Quân Chu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 35,73ha.
Trong cơ cấu sử dụng đất, sẽ bố trí khoảng 0,6ha xây công trình dịch vụ công cộng; 1,5ha xây biệt thự nghỉ dưỡng bungalow; 25,4ha là rừng sinh thái tự nhiên; 5,9ha là khu cây xanh, vườn hoa; 1,6ha cho đất giao thông...
Khu công trình dịch vụ công cộng có chiều cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng dự kiến 60%, chức năng là khu đón tiếp, nhà điều hành, dịch vụ, ẩm thực.
Toàn dự án sẽ có khoảng 51 căn bungalow với 159 phòng ngủ. Bên cạnh đó, tại đây sẽ xây dựng công trình khách sạn cao 3 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng diện tích 4.071m2, diện tích xây dựng 2.438m2; mật độ xây dựng khoảng 59,9%, tổng diện tích sàn 12.700m2, hệ số sử dụng đất 3,12 lần, tổng cộng có 126 phòng (gồm 46 phòng một giường và 80 phòng hai giường).
Tổng mức đầu tư của dự án này là 567 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỷ đồng. Về tiến độ, dự kiến giai đoạn quý I/2024 - quý II/2025 dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị; kết thúc và đưa vào khai thác, sử dụng vào quý III/2025.
Về liên danh đầu tư dự án, CTCP Sông Hồng Tam Đảo có địa chỉ tại TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc, thành lập vào đầu năm 2022, ông Trần Anh Tuấn là người đại đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc. Sông Hồng Tam Đảo khởi đầu với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô nắm giữ 40%, Công ty TNHH Bình Minh Sapa nắm giữ 40%, còn lại ông Trần Đại Thắng và ông Nguyễn Minh Đức mỗi người nắm giữ 10%.
Về CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô tiền thân là CTCP Thương mại Sông Hồng Thủ Đô, được thành lập vào tháng 5/2004, có địa chỉ tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Tại thời điểm 2019 doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên tới 1.610 tỷ đồng, được góp hơn 99,8% từ Chủ tịch Nguyễn Văn Niên (56,52%) cùng vợ là bà Trần Diệu Hà. Đến tháng 3/2022, Sông Hồng Thủ Đô tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.
Được biết, Sông Hồng Thủ Đô hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm: Thi công xây lắp, bất động sản, và kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn.
>> Sắp hết năm 2023 mà giữa lòng TP. Thái Nguyên vẫn còn tồn loạt dự án nghìn tỷ