Cầu cạn xây bằng gạch lớn nhất thế giới cao gần 80m, ‘gánh’ cả đoàn tàu trên lưng, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới
Các công nhân đã sử dụng hơn 26 triệu viên gạch để xây dựng công trình này.
Được xây dựng từ năm 1846-1851, cầu cạn Göltzsch ở Đức vẫn ngự trị với tư cách là cây cầu xây bằng gạch lớn nhất thế giới và có thời gian đây đã từng là cây cầu đường sắt cao nhất thế giới. Cầu cao 78m và dài 574m, để xây dựng cầu, các công nhân đã sử dụng hơn 26 triệu viên gạch.
Người đứng đầu hội đồng xét duyệt dự án xây dựng cầu vào thời điểm đó là Giáo sư Johann Andreas Schubert đã phát triển một đề xuất dựa trên bốn đề xuất được đệ trình và kinh nghiệm của chính ông với các phương pháp toán học để tính toán kết cấu. Khi thiết kế cầu, ông đã dựa vào một mô hình tính toán mới, được gọi là lý thuyết đường hỗ trợ. Cầu cạn được xây dựng theo thiết kế này có thể được coi là cây cầu đầu tiên được tính toán theo các nguyên tắc, kết cấu hợp lý về mặt toán học.
Kế hoạch ban đầu là xây một cây cầu hình vòm bao gồm các vòm riêng lẻ cách đều nhau ở bốn tầng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các công nhân đã phát hiện ra rằng mặt đất không vững chắc như dự tính ban đầu. Vì vậy, phần vòm trung tâm được xây dựng rộng hơn để tăng sự kiên cố.
Quyết định sử dụng gạch làm vật liệu xây dựng cây cầu được đưa ra vì lý do chi phí. Đá tự nhiên như đá granit không có đủ số lượng ở khu vực lân cận công trường. Mặt khác, ở đó có trữ lượng đất sét phong phú nên gạch có thể được mua rẻ hơn và nhanh chóng hơn.
Cầu cạn mất 5 năm để xây dựng và tại Lâu đài Mylau gần đó, một bảo tàng được mở cửa vào năm 1883 đã dành một phòng riêng để trưng bày các tư liệu lịch sử về việc xây dựng cây cầu cạn này, bao gồm sơ đồ xây dựng, ảnh, tranh vẽ và mô hình thu nhỏ của giàn giáo.
Cây cầu trải dài qua thung lũng của sông Göltzsch, nằm giữa đô thị Mylau và Netzschkau, cách thị trấn Reichenbach im Vogtland thuộc bang tự do Sachsen của Đức khoảng 4km về phía tây. Cây cầu là một phần của tuyến đường sắt giữa bang Sachsen (thành phố Leipzig, Zwickau và Plauen) và bang Bavaria (thành phố Hof và Nuremberg), một phần của tuyến Leipzig – Hof, gần ga Netzschkau.
Đôi khi sương mù xuất hiện ở Göltzsch và được chiếu sáng bởi những tia nắng mặt trời lúc bình minh khiến cầu cạn khổng lồ chìm trong làn sương mù. Điều này làm cho những đoàn tàu di chuyển với độ cao chóng mặt trên cầu trông như thể đang lơ lửng trên bầu trời.
Cầu cạn Göltzsch là một Di tích Kỹ thuật Lịch sử ở Đức và là Di sản thế giới được UNESCO công nhận kể từ năm 2020. Cầu cạn Göltzsch cũng là tên của một cầu cạn nhỏ hơn nhiều được xây dựng vào năm 1938, nơi đường Bundesautobahn 72 bắc qua sông Göltzsch. Cây cầu nhỏ này cách cầu Göltzsch “lớn” khoảng 10km về phía đông nam, gần làng Weissensand.