Bất động sản

Cây cầu dây văng dài 17km, 6 làn xe kết nối hai tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diễn biến mới

Việt Hoàng 01/07/2025 21:30

Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương xây dựng cầu Cần Thơ 2 theo tiêu chuẩn 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng mỗi làn 3,75m.

Theo Báo Đầu tư, Bộ Xây dựng vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Phạm Minh Hà tại cuộc họp nghe báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Theo đó, đây là công trình quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi cần sớm hoàn thiện các nghiên cứu chuyên sâu để đảm bảo hiệu quả đầu tư và vận hành lâu dài.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Về phạm vi dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu chi tiết hai phương án điểm đầu tuyến tại nút giao Chà Và. Mục tiêu là phân tích, lựa chọn phương án tối ưu về hiệu quả đầu tư, khai thác lâu dài và tiết kiệm chi phí.

> > Dự án xây dựng siêu cầu khoảng 20.000 tỷ, cách cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á 4,5km có chuyển động mới

Bối cảnh 3D cầu Cần Thơ 2. Nguồn ảnh: Vietnamplus
Bối cảnh 3D cầu Cần Thơ 2. Nguồn ảnh: Vietnamplus

Về quy mô đầu tư, Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương xây dựng cầu Cần Thơ 2 theo tiêu chuẩn 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, bề rộng mỗi làn 3,75m. Để tiết kiệm vốn đầu tư, phương án không bố trí làn dừng xe khẩn cấp trên cầu chính được ưu tiên.

Liên quan đến các yêu cầu hàng hải, trên cơ sở ý kiến từ Cục Hàng hải Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ chỉ đạo tư vấn cập nhật vị trí luồng thông thuyền, rà soát các yếu tố tĩnh không ngang, cao độ mực nước nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Riêng về tĩnh không đứng, lãnh đạo Bộ đề nghị áp dụng cao độ đáy dầm tương đương cầu Cần Thơ hiện hữu.

Về khẩu độ nhịp chính, Bộ Xây dựng yêu cầu nghiên cứu bổ sung các phương án lựa chọn, phân tích chiều dài nhịp tối thiểu dựa trên kết quả khảo sát hình thái lòng sông, yêu cầu tĩnh không thông thuyền, vị trí luồng hàng hải và đường thủy nội địa. Mục tiêu là lựa chọn giải pháp kết cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tối ưu hiệu quả sử dụng vốn.

Riêng trắc dọc tuyến đường dẫn phía Vĩnh Long, Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, trong bối cảnh các tuyến cao tốc tại địa phương đã hoàn thành, phần cầu chính là đường găng tiến độ nên không chịu ảnh hưởng nhiều về thời gian thi công nền đắp và nguồn vật liệu. Do đó, tư vấn cần ưu tiên phương án đi thấp nhằm giảm chi phí.

Về tiến độ thực hiện, Bộ Xây dựng chỉ đạo căn cứ vào phương án kết cấu cầu, dự kiến công nghệ thi công để rà soát, điều chỉnh lại tiến độ tổng thể, đảm bảo tính khả thi.

Được biết, theo báo cáo, dự án cầu Cần Thơ 2 có điểm đầu kết nối với nút giao Chà Và (cuối tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, thuộc địa phận Vĩnh Long), điểm cuối nối với nút giao IC2 (giao đường nối Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, đầu tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau).

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,2km. Trong đó, đoạn đường dẫn và cầu dẫn phía Vĩnh Long dài 11,9km, cầu chính vượt sông Hậu dài 1,1km, đoạn cầu dẫn và cầu cạn phía Cần Thơ dài 4,2km, đi qua địa bàn phường Hưng Thú.

Cầu chính dự kiến sử dụng kết cấu dây văng với mặt cầu quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, có bố trí dải dừng xe khẩn cấp.

Về thông số kỹ thuật, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất chiều dài nhịp chính khoảng 550m, tương đương cầu Cần Thơ hiện hữu với khổ thông thuyền rộng 300m.

Đoạn đường dẫn hai đầu cầu sẽ được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, tốc độ 100km/h. Hiện đơn vị tư vấn đang nghiên cứu so sánh hai phương án đi cao trên cầu cạn hoặc đi thấp trên nền đắp.

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư sơ bộ sẽ được làm rõ trong các bước tiếp theo của quá trình nghiên cứu tiền khả thi. Thời gian khởi công dự kiến vào năm 2026 và hoàn thành trong năm 2030.

Cầu Cần Thơ 2 là mắt xích quan trọng cuối cùng trong chuỗi tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Đồng bằng sông Cửu Long, nối tiếp các tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, đồng thời liên kết chặt chẽ với mạng lưới quốc lộ, cao tốc trong vùng.

Từ ngày 1/7/2025, hàng loạt tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương đã được hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính.

Cụ thể, Tỉnh Tây Ninh (mới) được hợp nhất từ tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An. Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Long An hiện nay.

TP. Cần Thơ (mới) được hợp nhất TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Trung tâm hành chính đặt tại TP. Cần Thơ hiện nay.

Tỉnh Vĩnh Long (mới) được hợp nhất từ tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Tỉnh Đồng Tháp (mới) được hợp nhất từ tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp.Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang hiện nay.

Tỉnh Cà Mau (mới) được hợp nhất từ tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

Tỉnh An Giang (mới) được hợp nhất từ tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang. Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang hiện nay.

> > Đề xuất xây cây cầu dây văng dài 17km, 6 làn xe kết nối hai tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hợp long cây cầu thứ 3 bắc qua sông Sài Gòn, kết nối một tỉnh vừa sáp nhập vào TP. HCM

Cây cầu dây văng có tĩnh không cao nhất Việt Nam chính thức hợp long

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/cay-cau-day-vang-dai-17km-6-lan-xe-ket-noi-hai-tinh-thanh-vung-dong-bang-song-cuu-long-co-dien-bien-moi-20225070114412751.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Cây cầu dây văng dài 17km, 6 làn xe kết nối hai tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diễn biến mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH