Câu chuyện về hành trình trắc trở để trở thành 'vua rác' của doanh nhân vừa chi 32 triệu USD mua 50 xe chở rác chạy bằng điện

12-05-2024 11:10|Mai Chi

Sinh ra ở Việt Nam, người đàn ông này thành công tạo ra một doanh nghiệp lớn về xử lý rác thải trên đất Mỹ.

Tại Triển Lãm WasteExpo 2024 ở Hoa Kỳ, nhiều công nghệ xử lý rác hiện đại đã được trưng bày.

Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc của Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS - thuộc CWS), cho biết công ty đã đặt mua 50 xe chở rác chạy bằng điện. Mỗi chiếc xe có trọng tải 10 tấn và giá 640.000 USD. Để sở hữu 50 chiếc xe này, ông Dương sẽ phải chi khoảng 32 triệu USD. Tuy nhiên, công năng cụ thể của những chiếc xe này vẫn chưa được tiết lộ.

Chia sẻ với VTC News, ông Dương cũng tiết lộ rằng công ty đã tìm thấy công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo để tự động phân loại rác tái chế.

Ông David Dương, được biết đến với biệt danh ''vua rác'' hay "tỷ phú rác", hiện có quy mô hợp đồng xử lý rác khoảng 2,2 tỷ USD tại thành phố San Jose và Oakland, Hoa Kỳ, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 300 người.

Hành trình khởi nghiệp trắc trở và ý chí bền bỉ tạo ra một 'vua rác' David Dương

David Dương sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ông tên thật là Dương Tử Trung - con trai của ông Dương Tài Thu là chủ hãng giầy Cogido nổi tiếng một thời. Cuối những năm 80, cả gia đình ông chuyển sang định cư tại California.

Câu chuyện về hành trình trắc trở để trở thành 'vua rác' của doanh nhân vừa chi 32 triệu USD mua 50 xe chở rác chạy bằng điện
Ông David Dương trở thành tỷ phú nhờ rác

>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam trở thành tỉnh đầu tiên xử lý được toàn bộ rác thải hàng ngày bằng công nghệ đốt rác phát điện

Bắt đầu với việc thu gom phế liệu, sau đó gia đình ông quyết định khởi nghiệp với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 700 USD. Công ty dần phát triển và được Norcal Waste Systems - công ty rác lớn top đầu nước Mỹ khi đó đề nghị mua lại công ty giá vài triệu USD theo hình thức trả trước 1 phần và trả góp 1 phần với điều kiện ông Dương và những người trong gia đình vẫn làm việc tại công ty đến khi thu hồi hết khoản nợ.

Tuy nhiên người chủ mới lật lọng gây nhiều khó dễ, những người anh em họ hãng đã rời bỏ công việc nhưng một mình ông Dương vẫn bám trụ. Thời gian sau, ông đã tìm cách khởi kiện nhưng chỉ đòi lại được 25% tổng số tiền còn nợ và một số thiết bị đã cũ. Khó khăn lại ập đến 3 nhà kho chứa chứa số máy móc cũ vừa mới tiếp nhận ấy đã bốc hỏa vì tàn thuốc lá của người vô gia cư.

Không chịu thua số phận, David Dương vẫn cố gắng gượng gắn bó cùng nghề. Trong thời điểm đó, được biết thành phố Oakland đang tổ chức đấu thầu thu gom rác thải phế liệu nên ông David Dương quyết định thành lập công ty. Đầu năm 1991, CWS đã ra đời và giành được gói thầu đầu tiên về thu gom rác thải cho một nửa thành phố, gói thầu này trị giá vài chục triệu USD.

Thời gian sau đó, David Dương đã đưa CWS ngày càng phát triển. Sau thành công lớn ở gói thầu thứ nhất năm 2006, CWS tiếp tục trúng gói thầu thứ 2, với trị giá lên tới vài trăm triệu USD. Đặc biệt là lần này, ông đã vượt qua Norcal Waste Systems - công ty hàng thứ 4 của Mỹ trong ngành môi trường và cũng là công ty đã mua lại doanh nghiệp ban đầu của gia đình ông.

Câu chuyện về hành trình trắc trở để trở thành 'vua rác' của doanh nhân vừa chi 32 triệu USD mua 50 xe chở rác chạy bằng điện
Ông David Dương dự định chi 32 triệu USD mua 50 xe chở rác chạy bằng điện

Trên đà chiến thắng, David Dương tìm cách mở rộng hoạt động, giúp CWS có mặt tại 8 thành phố của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải, vận hàng các nhà máy tái chế rác thải… Ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên khắp thị trường Mỹ và quốc tế.

Được biết, CWS đã tạo ra việc làm cho khoảng 300 người, phần lớn là người gốc Việt, và dần trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty hoạt động trong lãnh vực này.

Ở Việt Nam, Công ty VWS của ông Dương đang vận hành Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Đa Phước tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Khu này là khu xử lý chất thải lớn nhất TP.HCM, xử lý gần 7.000 tấn rác mỗi ngày, chiếm 70% lượng rác của thành phố. Tuy nhiên, có khả năng khu liên hợp này sẽ phải đóng cửa trong năm 2024.

Gần đây, VWS đã gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự Án Chuyển Đổi Công Nghệ Đốt Rác Phát Điện Công Suất 3.000 tấn/ngày đến Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Dự án này sẽ được VWS đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó 30% vốn do chủ đầu tư đóng góp, 70% còn lại sẽ vay ngân hàng. Dự án sẽ được triển khai tại Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Đa Phước với diện tích 9ha và bao gồm 2 nhà máy với 4 lò đốt hoạt động, mỗi lò đạt công suất thiết kế 750 tấn/ngày.

Dự án mới của VWS có thể sản xuất hơn 46MW điện để đấu nối vào lưới điện quốc gia. Trong báo cáo tác động môi trường, VWS cho biết quá trình đốt rác có thể tạo ra một số chất ô nhiễm như bui mịn, dioxin/furan, HCl, SO2, NOx có khả năng gây mưa axit."

>> Nơi là ‘điểm nóng’ về môi trường của TP. HCM được đề nghị đầu tư 10.080 tỷ đồng làm dự án đốt rác phát điện

Nơi là ‘điểm nóng’ về môi trường của TP. HCM được đề nghị đầu tư 10.080 tỷ đồng làm dự án đốt rác phát điện

Một doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư 3.500 tỷ đồng để làm nhà máy điện rác tại Trà Vinh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cau-chuyen-ve-hanh-trinh-trac-tro-de-tro-thanh-vua-rac-cua-doanh-nhan-vua-chi-32-trieu-usd-mua-50-xe-cho-rac-chay-bang-dien-234461.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Câu chuyện về hành trình trắc trở để trở thành 'vua rác' của doanh nhân vừa chi 32 triệu USD mua 50 xe chở rác chạy bằng điện
POWERED BY ONECMS & INTECH