Cầu dây văng gần 7.300 tỷ đồng, riêng dây cáp nặng 800 tấn nằm trên tuyến cao tốc đắt giá nhất Việt Nam
Cây cầu có 3 trụ tháp cầu mang hình 3 chữ “H”, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa ba trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh).
Dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long được khởi công xây dựng vào năm 2014 và chính thức thông xe vào năm 2018. Đây là cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ giao cho địa phương tự đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và hình thức đối tác công tư (PPP).
Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long chỉ có chiều dài 24,6km nhưng tổng vốn đầu tư lên đến gần 13.700 tỷ đồng. Con số này khiến đây trở thành tuyến cao tốc đắt đỏ nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với chi phí lên đến 557 tỷ đồng cho mỗi km.
Dự án được chia ra 2 dự án thành phần, trong đó: Khoảng hơn 6.400 tỷ đồng (ngân sách địa phương) để xây dựng cao tốc từ Hạ Long đến cầu Bạch Đằng dài 19,3km; còn lại gần 7.300 tỷ đồng (BOT) để xây dựng cầu Bạch Đằng. Vì thế, sau khi cộng với cầu Bạch Đằng, tổng vốn đầu tư của cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đã tăng lên khá nhiều.
Cầu Bạch Đằng chính thức đưa vào khai thác từ tháng 9/2018. Đây là dự án mở đầu cho chuỗi các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, tiên phong trong đổi mới phương thức đầu tư: do người Việt tự thiết kế, bố trí vốn và tổ chức thi công.
Cây cầu được xem là bước đột phá quan trọng về hạ tầng giao thông, góp phần kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn có chiều dài gần 5km, mặt cầu rộng 25m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Riêng cầu Bạch Đằng dài gần 3km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8.
Cầu có 3 trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m với bốn nhịp cầu dây văng. Nhìn từ xa, 3 trụ tháp cầu mang hình 3 chữ “H”, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa ba trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh).
Cầu Bạch Đằng có điểm đầu là phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng, nút giao cuối tuyến là xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Công trình được thiết kế với hệ thống cáp dây văng, nhằm đảm bảo lực nâng, mỗi trụ cầu được bố trí 48 bó cáp, tương đương 144 bó tổng cộng. Khối lượng lắp đặt dây cáp trên cầu Bạch Đằng là hơn 800 tấn.
Tại cầu Bạch Đằng, lần đầu tiên công nghệ xe đúc dầm chạy dưới đặc biệt được áp dụng, ưu điểm là chiều dài đốt đúc lên đến 9,6m, tải trọng đốt đúc lên đến 465 tấn do nhà thầu VSL (Thụy Sỹ) thiết kế, cũng được thi công và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, VSL còn cung cấp lắp đặt hệ thống gối cầu, khe co giãn của cầu chính, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi sức khỏe của cầu dây văng trong quá trình thi công và khai thác...
Cầu Bạch Đằng được thiết kế đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn và không ảnh hưởng đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cách đó khoảng 6km.
Đây cũng là một trong những cây cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất với 4 nhịp dây văng liên tục, nhưng lại hạn chế chiều cao tháp, nên góc nghiêng dây văng rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp hơn những cầu dây văng khác.
Sau khi cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đi vào hoạt động, quãng đường di chuyển giữa 2 trung tâm thành phố giảm từ 70 xuống 55km. Thời gian di chuyển giảm từ 1,5h xuống còn khoảng 1h.
Dự án đã góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), giúp rút ngắn thời gian đi từ Hạ Long đến Hà Nội chỉ còn hơn 2h. Đồng thời, dự án cũng góp phần giảm lưu lượng xe trên Quốc lộ 10 và Quốc lộ 18A.
Lượng khách du lịch đến Hạ Long cũng tăng đột biến sau khi cao tốc Hải Phòng - Hạ Long chính thức đi vào hoạt động.