Cầu vượt sông nghìn tỷ nối 2 tỉnh miền Bắc, sắp kết thúc hơn 200 năm di chuyển bằng đò của người dân bên sông Hồng
Cây cầu vượt sông này nối với đường dẫn vào tuyến đường ven biển các tỉnh Bắc – Nam dài 550km.
Cầu vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Nam Định nằm ở cuối đường ven biển Thái Bình và đầu đường ven biển Nam Định. Cụ thể, cây cầu thuộc địa bàn xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, Nam Định) và xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Dự án có tổng chiều dài 1,4km với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120m. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng.
Dự án cầu vượt sông Hồng nối Nam Định - Thái Bình được khởi công tháng 1/2021. Sau hơn 3 năm, cầu vượt sông Hồng đã được hợp long vào cuối tháng 9 vừa qua.
Cầu nối 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình. Ảnh internet |
Cầu vượt sông Hồng là cột mốc đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy tiến độ chung của dự án tuyến đường bộ ven biển Bắc - Nam (dài 550km đi qua 6 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa).
Với tỉnh Nam Định, khi cầu sông Hồng và tuyến đường ven biển hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của các huyện ven biển; kết nối giao thông với các tuyến Quốc lộ: 37B, 21, 21B; kết nối tuyến đường trục phát triển của tỉnh và tỉnh lộ 490C, góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ ven biển trong khu vực.
Toàn cảnh cây cầu nối 2 bờ sông Hồng. Ảnh internet |
Cây cầu vượt chính là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch biển của tỉnh như khu du lịch dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu du lịch biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Cồn Mờ (huyện Nghĩa Hưng), Thịnh Long (huyện Hải Hậu)…
Với Thái Bình, cây cầu này nối với tuyến đường ven biển sau khi hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Khu kinh tế Thái Bình đến Hải Phòng chỉ 40 phút lái xe, đến sân bay quốc tế Cát Bi chỉ 55 phút, đến cảng quốc tế Lạch Huyện còn 60 phút. Thời gian di chuyển từ Thái Bình đi Hạ Long còn 90 phút thay vì 2,5 giờ như trước đây, sân bay Vân Đồn chỉ 150 phút và cửa khẩu Móng Cái còn 180 phút.
Nơi xây dựng cây cầu - cửa Ba Lạt là cửa chính của sông Hồng đổ ra biển và được xem là ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. Tuy nhiên, theo lịch sử và các tài liệu ghi chép lưu lại, trước đây Ba Lạt vốn là con lạch nhỏ, người dân từ bờ này sang bờ kia chỉ cần một chiếc cầu tre buộc bằng ba cái lạt.
Cây cầu được hợp long vào tháng 9 vừa qua. Ảnh internet |
Đến năm 1787 diễn ra sự kiện “Ba Lạt phá hội”, Ba Lạt đã trở thành cửa sông rộng lớn, những mảnh đất mới cũng được hình thành.
Cho đến tận ngày nay, người dân muốn đi từ huyện Giao Thủy qua huyện Tiền Hải và ngược lại, phải đi bằng đò. Chính vì vậy cầu vượt sông Hồng đang xây mang một ý nghĩa rất lớn với người dân hai địa phương.
Một điểm quan trọng nữa là khu vực này có Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tại đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, nhiều sinh vật quý hiếm đã, đang được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Hứa hẹn cây cầu sau khi được thông xe sẽ tạo nên điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái cho vườn quốc gia này.
>> Hải Dương đầu tư 1.900 tỷ xây 2 cầu vượt qua dòng sông bồi đắp cho 'Hạt gạo làng ta'