'Cây cầu thế kỷ' của Việt Nam từng mất 11 năm để hoàn thành, huy động 8.300 công nhân, thợ lặn, ứng dụng công nghệ chưa từng có

04-03-2024 00:17|Quỳnh Như

Sau gần 40 năm khai thác, cây cầu này vẫn góp phần không nhỏ trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh phía Bắc với Hà Nội.

Cầu Thăng Long (hay còn gọi cầu Hữu Nghị Việt Xô) là cây cầu bắc qua sông Hồng, được xây dựng từ năm 1974 và khánh thành ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội và là công trình tầm cỡ nhất khu vực Đông Nam Á thời điểm đó.

Cầu Thăng Long là cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội. Ảnh: Báo Giao Thông

Cầu Thăng Long là cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội. Ảnh: Báo Giao Thông

Cầu Thăng Long là công trình nằm trong Tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội và hiện nay nằm trên Vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm. Cầu bắc qua sông Hồng ở khu vực gần bến Chèm, thuộc địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (bờ Nam). Đầu cầu còn lại thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh (bờ Bắc), cách nhau 1.688m và cách trung tâm Hà Nội 12km.

Thời kỳ đầu, cầu Thăng Long được Trung Quốc giúp xây dựng nhưng được khoảng 20% khối lượng công trình thì ngừng lại. Đến cuối năm 1978, Liên Xô đã giúp ta xây dựng tiếp cho đến khi hoàn thành.

Cầu Thăng Long được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt-Xô. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Cầu Thăng Long được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt-Xô. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Cầu có quá trình chuẩn bị, thiết kế và thi công rất dài. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cho biết, ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có ý kiến xây cầu vượt sông Hồng, nối thông Hà Nội với Thái Nguyên, Việt Trì… để phát triển lên phía Bắc. Khoảng năm 1971, ta bắt đầu đàm phán với Trung Quốc, đề nghị viện trợ xây dựng cầu.

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, hồi đó, Việt Nam gọi là cầu Chèm, còn Trung Quốc đặt tên là Hồng Hà đại kiều, tức là cầu sông Hồng. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chính thức đề nghị đặt tên cầu Thăng Long.

Việc thi công cầu Thăng Long do Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long đảm nhiệm (gồm 4 xí nghiệp cầu, 1 xí nghiệp cơ giới). Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Việc thi công cầu Thăng Long do Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long đảm nhiệm (gồm 4 xí nghiệp cầu, 1 xí nghiệp cơ giới). Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Mô hình xí nghiệp liên hợp (gọi theo đúng nghĩa) là một điều đặc biệt mới mẻ với nghề xây dựng cầu lúc bấy giờ. Lực lượng kỹ sư, công nhân lúc đầu có 1.600 người, sau tăng lên 8.300 người. Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo thợ lặn sâu 50m, công nhân phun sơn, hàn tự động, kiểm tra hàn…

Không chỉ nổi bật với chiều dài mà công nghệ xây dựng cũng được đánh giá là hiện đại bậc nhất vào thời điểm bấy giờ. Lần đầu tiên, các kỹ sư và công nhân Việt Nam được tiếp xúc với nhiều vấn đề về tổ chức thi công và phương pháp kỹ thuật mới, trong đó tiêu biểu là đắp đảo bằng bao tải, thay thế khung vây cọc ván thép để xây dựng móng giếng chìm cỡ lớn rộng 18m và bịt đáy trụ cầu ở độ sâu 40m trong nền địa chất sét cát, sỏi cuội; trực tiếp thi công công trình có quy mô lớn vào loại bậc nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Những trụ đầu tiên của cầu Thăng Long

Những trụ đầu tiên của cầu Thăng Long

Việc thi công móng trụ cầu bằng công nghệ “định vị giếng chìm chở nổi” đối với thợ cầu Việt Nam còn là điều rất mới. Song khi đó, được sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia Liên Xô, thợ cầu Thăng Long đã vượt qua được những bỡ ngỡ về công nghệ; có 16 trụ cầu chính được xây dựng trong điều kiện khó khăn, luôn phải chống chọi với mưa lũ.

Sau này, khi lắp những dàn dầm thép đồ sộ, lần đầu tiên người thợ cầu được học hỏi và tiếp xúc với quy trình công nghệ mới của Đông Âu. Những công việc phun cát, phun sơn, lắp hẫng các dàn dầm thép bằng bu-lông cường độ cao đã được bàn tay của người thợ cầu Thăng Long dựng lên trong sự kính nể của các chuyên gia Liên Xô thời đó.

Tầng trên là đường ô tô rộng 15m, cho bốn làn xe chạy

Tầng trên là đường ô tô rộng 15m, cho bốn làn xe chạy

Tại thời điểm hoàn thành, cầu Thăng Long có 2 tầng. Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt (thiết kế theo khổ ray 1.435mm), hai bên là đường xe thô sơ 3,5m (có thể chạy ô tô 10 tấn). Tầng trên là đường ô tô rộng 15m, cho bốn làn xe chạy; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5m. Chiều dài toàn cầu tính theo đường sắt (tầng dưới) hơn 5,5km, tính theo đường ô tô (tầng trên) hơn 3,1km, theo đường xe thô sơ hơn 2,6km.

Với tổng chiều dài toàn bộ cầu khoảng 10,7km, Thăng Long là cây cầu dài nhất Việt Nam tính ở thời điểm đó. Phần cầu chính (vượt sông) gồm 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112m. Móng trụ cầu chính đều dùng giếng chính. Phần cầu dẫn ở hai bên bờ đều dùng dầm bê tông dự ứng lực. Các trụ dẫn cầu đều dùng móng cọc ống phi 55cm. Cầu cũng được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, xứng danh với tên gọi “công trình thế kỷ”, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ.

Cầu Thăng Long vẫn đang nắm giữ kỷ lục về thời gian xây dựng dài nhất, khoảng 11 năm. Ảnh: Báo Tiền Phong

Cầu Thăng Long vẫn đang nắm giữ kỷ lục về thời gian xây dựng dài nhất, khoảng 11 năm. Ảnh: Báo Tiền Phong

Gian nan, trường kỳ là thế nhưng sau khi khánh thành, cầu Thăng Long lại rơi vào tình trạng vắng vẻ do lượng người và phương tiện đi qua không nhiều. Cả một công trình kỳ vĩ bắc ngang sông Hồng vào thời điểm đó rơi vào cảnh hoang vắng, lạnh lẽo. Nguyên nhân được chỉ ra là vào thời điểm khánh thành cầu Thăng Long, phương tiện phổ biến của người dân Hà Nội cũng như các địa phương chỉ là xe đạp (xe máy rất ít và ô tô lại càng hiếm) trong khi cầu Thăng Long là công trình xây dựng kiên cố, hiện đại, phù hợp với ô tô, xe máy nên nhu cầu sử dụng cầu lúc này không lớn. Hơn nữa, phía dưới sông Hồng, gần ngay khu vực có cầu Thăng Long, bến phà Chèm vẫn đang hoạt động.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau khi khánh thành cầu Thăng Long, năm 1986 nước ta bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Công cuộc đổi mới mang lại những thành quả to lớn làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của toàn quốc. Nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, phương tiện cơ giới được mua sắm nhiều hơn, những chuyến bay lên xuống sân bay Nội Bài cũng ngày một lớn. Những dòng xe máy, ô tô đi qua cầu Thăng Long đến sân bay cũng ngày một dày hơn.

Từ đó đến nay, trải qua gần 40 năm khai thác, vai trò, giá trị của cầu Thăng Long đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung càng thể hiện một cách rõ rệt.

>> Cây cầu 'Biển Đông' 26.000 tỷ mang dáng hình chữ S, là cây cầu vượt biển đầu tiên ở nước láng giềng Việt Nam

Ngôi chùa trắng như tuyết lọt top những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, nổi bật với cây cầu ‘luân hồi tái sinh’ độc nhất vô nhị

Cây cầu gỗ có cái tên độc lạ, được mệnh danh là chốn thiên đường check-in thơ mộng nối các điểm tham quan nổi tiếng nhất nhì miền Bắc

Chiêm ngưỡng cây cầu kính dài nhất thế giới tại Việt Nam: Dài 632m bắc qua hẻm núi sâu, sở hữu hai kỷ lục thế giới và từng được lên báo Mỹ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cay-cau-the-ky-cua-viet-nam-tung-mat-11-nam-de-hoan-thanh-huy-dong-8300-cong-nhan-tho-lan-ung-dung-cong-nghe-chua-tung-co-d117203.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Cây cầu thế kỷ' của Việt Nam từng mất 11 năm để hoàn thành, huy động 8.300 công nhân, thợ lặn, ứng dụng công nghệ chưa từng có
POWERED BY ONECMS & INTECH