Việc chạy hệ thống giao dịch mới của FPT không đồng nghĩa với thị trường sẽ cứ thế tăng, ngay cả khi tâm lý hồ hởi sẽ tạo ra vài khoảnh khắc loé sáng nhất định nhưng không kéo dài.
Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, chỉ còn ít ngày nữa, câu chuyện “nghẽn lệnh, đơ bảng” kéo dài 7 tháng qua sẽ chấm dứt khi HoSE chạy hệ thống giao dịch mới của FPT. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với thị trường sẽ cứ thế tăng, ngay cả khi tâm lý hồ hởi sẽ tạo ra vài khoảnh khắc loé sáng nhất định nhưng không kéo dài.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, trong giai đoạn hiện nay, thị trường đang phải đối mặt với những rủi ro. Có thể kể đến như câu chuyện về định giá khi Vn-Index tiệm cận vùng 1.400 điểm khá nhanh, đồng nghĩa với việc nhiều cổ phiếu đã có bước tăng giá ấn tượng.
Một mặt sự tăng giá này là hợp lý, đến từ bản chất doanh nghiệp. Mặt khác lại có rất nhiều doanh nghiệp "ăn theo", nhân đà tăng chung "tạo game", đẩy giá cổ phiếu lên quá cao. Và khi “thuỷ triều rút” tức là khi thị trường điều chỉnh, những cổ phiếu này sẽ phải giảm về vùng hợp lý, nhưng thị trường lại bị ảnh hưởng, ngay cả cổ phiếu tốt cũng sẽ phải theo xu thế chung.
Bên cạnh đó, việc giai đoạn tiền rẻ đã qua đi cũng đang là một vấn đề của thị trường. Ông Điệp cho rằng, có thể tiền trên thị trường chứng khoán vẫn chưa quá thiếu nhưng chắc chắn sẽ bước vào thời kỳ phải “chắt chiu” hơn.
Ngoài ra, nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý II vẫn tốt nhưng quý III sẽ khó hơn nhiều, bởi khó khăn thật sự trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đến vào giai đoạn tháng 6-8.
“Một khi tăng trưởng chậm lại, lợi nhuận không như kỳ vọng, sẽ phản ánh ngay vào giá cổ phiếu dù những chỉ số như P/E, P/B hay FV vẫn tiềm năng”, ông Điệp nhận định.
Đáng chú ý nhất phải kể đến “nồi cháo” phát hành thêm của các doanh nghiệp dòng chứng khoán, ngân hàng, thép từ việc chia cổ tức. Dù đây được đánh giá là động thái tích cực thể hiện được “sức khoẻ” của doanh nghiệp nhưng về cung cầu cổ phiếu sẽ có những khó khăn nhất định khi phải đối mặt với rủi ro pha loãng.
Hơn nữa, Vn-Index từ lúc vượt 1.200 điểm cho đến nay vẫn chưa có một đợt điều chỉnh nào đủ dài. Do vậy, một đợt điều chỉnh là cần thiết lúc này. Nguyên lý của thị trường chứng khoán là cho phép được điều chỉnh trong biên 15%-20% vẫn chưa được gọi là "thị trường gấu" nên nếu có xảy ra điều này cũng không nên hoảng hốt, bởi đó là hết sức bình thường.