Không ít doanh nghiệp dùng nhiều cách để trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Mới đây, một doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai bị “tố” không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, gây bức xúc.
Người lao động bức xúc
Anh Lưu Văn Cường sinh năm 1987 là công nhân điện cơ khí tại nhà máy khai thác đá của Công ty Cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai. Năm 2022, anh Cường bị ngã từ trên cao khi đang làm việc tại nhà máy, đến khi được đưa đi cấp cứu mới biết mình không được đóng BHXH. Do đó, tất cả chi phí khám chữa bệnh đều do gia đình anh Cường tự chi trả, Công ty Cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai chỉ hỗ trợ cho người lao động 5 triệu đồng.
“Tôi làm việc tại Công ty Anh Khoa Gia Lai được 3 năm nay nhưng không được đóng BHXH, dẫn đến quyền lợi không được đảm bảo khi xảy ra tai nạn lao động. Tôi đã kiến nghị với lãnh đạo Công ty, nhưng chỉ được trả lời để họ xem xét. Bây giờ, tôi cũng rất nản, muốn tìm công việc khác”, anh Cường chia sẻ.
Không chỉ anh Cường, anh Trương Ngọc Sáng cũng làm việc hơn 10 năm nay ở Công ty Cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai. Thế nhưng trong 10 năm qua, anh Sáng cũng không được Công ty nộp BHXH. Hiện tại, mức lương của anh đang nhận là 12 triệu đồng/tháng cho vị trí cơ khí sửa chữa. “Hồi mới vào làm việc, Công ty cũng hỗ trợ đóng BHXH được vài tháng. Nhưng sau đó, Công ty dừng đóng BHXH mà không có lý do”, anh Sơn cho biết.
Được biết, Công ty Cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai có 1 mỏ đá và 1 xưởng chế biến đá tại huyện Phú Thiện, ba nhà máy chế biến đá tại khu công nghiệp Trà Đa, một nhà máy tại lô C1 Khu công nghiệp Phú Tài, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ước tính lao động của Công ty vào thời điểm đông nhất lên đến vài trăm lao động. Còn hiện tại, do khó khăn, Công ty đã giảm nhân lực xuống để phù hợp với tình hình.
Theo dữ liệu do BHXH tỉnh Gia Lai cung cấp, hiện nay Công ty Cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai đăng ký tham gia BHXH cho 11 người. Số người tham gia BHXH giảm dần theo từng năm: năm 2020 ghi nhận 15 người, năm 2021 ghi nhận 13 người và đến năm 2022 còn 12 nguời được nộp BHXH.
Cần cơ chế đủ mạnh
Chia sẻ với Phóng viên DĐDN, ông Thân Trọng Vinh - Đại diện Công ty Cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai cho biết ông đang đi công tác. Tuy nhiên, ông Thân Trọng Vinh vẫn khẳng định “người lao động vào làm việc tại Công ty đều được ký hợp đồng và nộp BHXH. Hiện nay, chỉ còn 2 – 3 người được Công ty nộp BHXH”.
Thông tin mà ông Thân Trọng Vinh đưa ra hoàn toàn trái ngược với những gì mà lao động của Công ty chia sẻ cũng như dữ liệu của BHXH tỉnh Gia Lai. Theo nguồn tin tìm hiểu của Phóng viên DĐDN, Công ty Cổ phần khoáng sản Anh Khoa Gia Lai chỉ đóng cho chủ doanh nghiệp, kế toán, nhân viên văn phòng và các nhân sự chủ chốt khác. Còn người lao động chân tay sẽ không được đóng hoặc chỉ được đóng BHXH vài tháng rồi cắt, để giảm chi phí của doanh nghiệp.
Ông Trần Công Hoạt, Trưởng phòng Thanh tra – Kiểm tra BHXN tỉnh Gia Lai, cho biết, nếu doanh nghiệp không đóng BHXH, BHTN cho toàn bộ người lao động thì mức phạt tiền đối với doanh nghiệp là từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Còn nếu doanh nghiệp không đóng BHXH, BHTN cho một số trường hợp, thì bị phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH, BHTN.”
Ngoài ra, ông Hoạt cũng cho biết thêm, khi doanh nghiệp không đóng hoặc trốn đóng BHXH từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng; đồng thời phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng BHXH. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp, doanh nghiệp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHTN cho người lao động, cần có những giải pháp đồng bộ từ phía người lao động, công đoàn các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.
Thứ nhất, khi người lao động khi thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì cần mạnh dạn khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động địa phương theo hướng dẫn của cơ quan BHXH.
Thứ hai, đối với tổ chức công đoàn, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội nộp BHXH theo Điều 216 Bộ luật hình sự, thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố.
Thứ ba, cơ quan BHXH cần thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp chậm đóng BHXH dưới ba tháng, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất đơn vị nợ BHXH từ ba tháng trở lên.