Chất lượng chung cư ‘lộ nguyên hình’ sau bão: Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm chính
Theo chuyên gia, các trường hợp chung cư bị hư hại do các vấn đề như nứt tường, thấm dột, hoặc sập trần cho thấy quá trình giám sát không chặt chẽ và trách nhiệm có thể thuộc về nhiều bên khác nhau, bao gồm cả chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát và cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ghi nhận tại một số địa phương, siêu bão Yagi mang theo gió mạnh kèm mưa lớn đã khiến nhiều tòa nhà cao tầng tại các đô thị trung tâm như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt tình huống nguy hiểm như bung, nứt kính, nước thấm dột vào nhà, thậm chí tường bị nứt toác, sập trần... đã xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực, các chuyên gia nhìn nhận, bão Yagi cũng chính là phép thử cho chất lượng thi công công trình xây dựng, nhất là chung cư ở các đô thị hiện nay.
Bởi, đây được xếp vào nhóm công trình kiên cố, đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng bao gồm cả chống bão và động đất tính theo từng vùng miền khác nhau nhưng lại để xảy ra những sự cố nghiêm trọng trên, cần phải xem xét đến trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác xây dựng.
Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm chính. |
Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm chính
Theo LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, trong các trường hợp chung cư bị hư hại do các vấn đề như nứt tường, thấm dột, hoặc sập trần, trách nhiệm có thể thuộc về nhiều bên khác nhau, bao gồm cả chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát và cơ quan quản lý nhà nước.
“Đặc biệt, trách nhiệm chính sẽ thuộc về các đơn vị thiết kế kết cấu và đơn vị thi công xây dựng, nói cách khác là nhà thầu thi công. Họ có trách nhiệm tính toán và thiết kế các kết cấu bao che như cửa kính, vách kính để chịu được các tải trọng gió, áp lực bão, đồng thời thi công theo đúng thiết kế và quy chuẩn xây dựng”, ông Hà cho hay.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, trong thiết kế kết cấu hiện đang có tình trạng để nhà thầu thi công tự chọn vật liệu, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Nhà thầu thi công sau khi chế tạo và lắp dựng xong cửa, vách kính, có thể lập bản vẽ hoàn công và việc này được hợp pháp hóa bằng cách đưa bản vẽ này cho nhà thầu thiết kế ký.
Ngoài ra, chung cư bị sập trần, nứt tường cho thấy việc thi công, giám sát đều “ẩu”. Đơn vị giám sát lại có vai trò kiểm tra và đảm bảo rằng quá trình thi công diễn ra theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế được phê duyệt. Để xảy ra tình trạng trên, cho thấy quá trình giám sát không chặt chẽ.
Do đó, để có thể xem xét trách nhiệm của từng bên, ở mỗi công trình bị hư hỏng cần có sự tham gia của đơn vị giám định độc lập, kết quả giám định độc lập sẽ là căn cứ để xem xét trách nhiệm của các bên gồm có chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát.
Tương tự, ông Lê Văn Thịnh, Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, nhiều khu chung cư nứt tường, vỡ kính, sập trần... đều do thi công không đúng quy chuẩn chứ không phải là quy chuẩn lỗi thời.
Ông Thịnh cho biết, một toà nhà hay một công trình đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Kết cấu bao che rất quan trọng, nhưng nếu quên hoặc tính toán không cẩn thận thì rất nguy hiểm. Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió cụ thể thì kính phải dày bao nhiêu, kính mấy lớp, cấu tạo kính như thế nào; đặc biệt, khung vách hay khung cửa phải được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh ra sao... Đây là vấn đề mà đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán, lựa chọn để nhà thầu thi công thực hiện.
Tuy nhiên, trong thiết kế kết cấu đang có tình trạng để nhà thầu thi công tự chọn vật liệu, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những tình huống nguy hiểm trên.
Cơ quan Nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm
Như phân tích trên của LS. Nguyễn Thanh Hà, các cơ quan quản lý Nhà nước được xác định là một trong những bên chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sự cố nghiêm trọng về chất lượng chung cư.
Cơ quan nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm. |
Ông Hà nhấn mạnh, các cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm xây dựng tại chung cư, từ giai đoạn cấp phép, kiểm tra quá trình thi công, đến nghiệm thu và giám sát việc tuân thủ các quy định sau khi chung cư đi vào hoạt động.
Các cơ quan Nhà nước như UBND cấp xã, phường và Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thi công để đảm bảo công trình được xây dựng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Đặc biệt, họ cần kiểm tra định kỳ và bất thường để phát hiện các vi phạm trong quá trình thi công như xây dựng sai phép, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
“Trong trường hợp để xảy ra sự cố do vi phạm xây dựng, cơ quan nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu được xác định có sơ suất, bất cập trong công tác quản lý, giám sát. Điều này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải thực hiện tốt vai trò quản lý, giám sát và xử lý nghiêm minh các vi phạm”, ông Hà nhấn mạnh.
Dẫu vậy, trên thực tế vẫn còn tình trạng các cơ quan Nhà nước chưa kịp thời xử lý các vi phạm xây dựng, gây bức xúc trong dư luận. Do vậy, cần phải khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.
>>Cận cảnh chung cư cũ tại Hải Phòng bị nghiêng, phải khẩn cấp di dời người dân
Từ bây giờ, chi phí làm sổ hồng cho căn hộ chung cư gồm những gì?
Bộ Xây dựng: Chung cư cũ Hà Nội đứng trước nguy cơ sụp đổ vì bão