Chỉ còn chưa đầy 10 ngày đếm ngược, căng thẳng ở Trung Đông 'phủ bóng đen' lên bầu cử Mỹ
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa đến sẽ đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, tình hình căng thẳng ở Trung Đông đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này khiến các cố vấn của Tổng thống Biden và đội ngũ tranh cử của Phó Tổng thống Harris cảm thấy ‘nhẹ nhõm’.
"Có vẻ họ chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự. Tôi hy vọng đây là hồi kết", Tổng thống Biden nhận xét sau khi được báo cáo về các cuộc tấn công của Israel vào Iran sáng 26/10.
Diễn biến này khác xa với dự đoán đầu tháng, khi Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo vào Israel, gây lo ngại về một cuộc trả đũa nghiêm trọng nhắm vào các cơ sở hạt nhân hoặc dầu mỏ của Iran.
Dù kịch bản xấu nhất đã được ngăn chặn theo đánh giá của ông Biden, tình hình Trung Đông vẫn căng thẳng khi cuộc tấn công trực tiếp vào Iran đặt khu vực vào tình thế nguy hiểm mới.
Ngày 26/10 vừa qua, Biden và Phó Tổng thống Harris đã tham gia cuộc họp với nhóm an ninh quốc gia để cập nhật tình hình. "Chúng tôi tôn trọng quyền tự vệ của Israel", Harris nói với báo giới, đồng thời nhấn mạnh việc cần có các biện pháp giảm leo thang xung đột trong thời gian tới.
Khi được hỏi về thông điệp gửi tới Iran, bà Harris khẳng định: "Hoa Kỳ kiên quyết yêu cầu Iran chấm dứt các hành động đe dọa khu vực, và chúng tôi sẽ luôn bảo vệ Israel trước mọi cuộc tấn công từ Iran".
Bất chấp hành động của Iran, khu vực vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Israel tiếp tục mở rộng tấn công ở Li-băng, khiến hàng trăm phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, thử thách lòng kiên nhẫn của Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được bước đột phá lớn nào.
Và xung đột ở Gaza cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt hơn trước cái chết của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar vào tháng này, điều mà ông Biden hy vọng sẽ dẫn đến nỗ lực đàm phán trao đổi con tin và ngừng bắn.
Hy vọng này vẫn chưa tắt hoàn toàn, ít nhất là theo quan điểm của các nhà ngoại giao phương Tây, và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần này tại Qatar. Dù vậy, rất ít người tin có thể đạt được giải pháp ngoại giao trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.
Các quan chức Mỹ tin rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không có nhiều động lực để chấm dứt chiến dịch quân sự trên nhiều mặt trận trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Thậm chí, ông Netanyahu cũng để ngỏ khả năng hợp tác với ông Donald Trump một khi đại diện đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng.
Tại cuộc vận động tranh cử ở Michigan ngày 26/10, ông Trump đưa một nhóm giáo sĩ lên sân khấu.
“Các cử tri Hồi giáo và Ả Rập ở Michigan và trên toàn quốc muốn chấm dứt các cuộc chiến tranh vô tận và mong muốn một Trung Đông hòa bình như dưới thời Tổng thống Donald J. Trump. Các bạn đã nghe tên ông ấy chưa?” Trump nói. “Họ muốn có sự mạnh mẽ ở Phòng Bầu dục, trật tự và lý trí”.
Về phần mình, bà Harris hầu như không đưa ra bằng chứng nào cho thấy bà sẽ theo đuổi cách tiếp cận khác nếu đắc cử.
Khi được một cử tri đặt câu hỏi tại buổi thảo luận của CNN ở Pennsylvania về cách bà sẽ "đảm bảo không có người Palestine nào chết vì bom được mua bằng tiền thuế của người Mỹ”, bà Harris một lần nữa nói về thỏa thuận ngừng bắn, nhưng không nói sẽ làm như thế nào để thành công khi Tổng thống Biden đã thất bại.
Nhưng khi Anderson Cooper của CNN hỏi bà sẽ nói gì với những cử tri không ủng hộ bà vì cách xử lý của chính quyền về vấn đề Gaza, bà đã trả lời rằng ôngTrump chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.
“Nghe này, tôi không phủ nhận những cảm xúc của mọi người. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai chứng kiến những hình ảnh này đều sẽ có những cảm xúc mạnh mẽ về những gì đã xảy ra,” Harris nói. “Nhưng tôi cũng biết rằng nhiều người quan tâm đến vấn đề này cũng quan tâm đến giá cả thực phẩm. Họ cũng quan tâm đến nền dân chủ của chúng ta và không muốn một tổng thống Hoa Kỳ ngưỡng mộ các nhà độc tài và có tư tưởng phát xít.”
Những câu trả lời đó hầu như không thuyết phục được cử tri Mỹ gốc Ả Rập ủng hộ Harris, người gần như không cho thấy dấu hiệu rằng bà sẽ không chỉ đơn thuần là nối dài của chính quyền Biden về vấn đề này.
Abdullah Hammoud, thị trưởng Dearborn, Michigan - nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập lớn - vừa từ chối ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào và kêu gọi cử tri "bỏ phiếu theo lương tâm".
Trong cuộc phỏng vấn với The Hill, ông nói: "Tôi không thấy ứng cử viên nào, đặc biệt từ đảng tôi từng gắn bó, sẵn sàng tách khỏi con đường của Tổng thống Biden trong vấn đề Gaza và xung đột đang lan rộng tới Lebanon".
Chuyến công du khu vực của Ngoại trưởng Blinken không mang lại tiến triển về việc Hamas thả con tin hay Israel đạt thỏa thuận. Mặc dù trọng tâm là kế hoạch hậu chiến cho Gaza, các bước thực hiện vẫn chưa rõ ràng.
Trong nhiều tháng, Biden bất thành trong việc gây áp lực lên Netanyahu để đạt thỏa thuận ngừng chiến ở Gaza. Ông tin rằng điều này sẽ giảm căng thẳng khu vực và có thể mở đường cho hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, Netanyahu từ chối hầu hết đề xuất, dẫn đến những khoảng im lặng kéo dài giữa hai nhà lãnh đạo.
Tình hình này gây khó khăn cho Biden và các cố vấn trong việc dự đoán phản ứng của Israel sau cuộc tấn công tên lửa của Iran ngày 1/10. Quy mô tấn công lần này khác biệt, buộc phải có hành động đáp trả, theo các trợ lý của ông. Tổng thống đã công khai phản đối tấn công vào cơ sở hạt nhân và kho dầu của Iran.
Trong cuộc điện đàm ngày 9/10 - lần đầu sau gần hai tháng - Netanyahu cam kết không nhắm vào những mục tiêu này, dù chịu áp lực từ các thành viên bảo thủ muốn tận dụng điểm yếu của Iran. Đây là một trong số ít trường hợp Netanyahu chấp nhận lời khuyên của Biden, dù với lý do riêng và khẳng định quyết định độc lập với Washington.
Một quan chức cấp cao Mỹ nhận xét: "Đó là hành động có chuẩn bị kỹ lưỡng, chính xác và chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự ở Iran. Theo chúng tôi, điều này nên chấm dứt đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran".
Liệu điều đó có thành hiện thực hay không, tất nhiên, là một kết quả hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Mỹ.
Theo CNN
>> Bất kể ai thắng cử, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung sẽ không có lựa chọn ‘mềm mỏng’
Bầu cử tổng thống Mỹ: Những tên tuổi đình đám giúp bà Harris trong chặng nước rút
Tổng thống Nga Putin bày tỏ quan ngại về tình hình Trung Đông