Chi hơn 3.000 tỷ để trở thành cổ đông lớn nhất tại Eximbank, tiềm lực Tập đoàn Gelex thế nào?
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gelex ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.910 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.770 tỷ đồng.
Tập đoàn Gelex (mã CK: GEX) vừa chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Eximbank (mã CK: EIB) sau khi mua thêm 89 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 10% vốn điều lệ (174,6 triệu cổ phiếu).
Kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu EIB không có nhiều biến động với giá trị vốn hóa đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Để sở hữu 10% vốn tại Eximbank, ước tính Gelex đã chi số tiền lên tới 3.200 tỷ đồng.
Gelex được biết đến là một tập đoàn hoạt động theo mô hình holdings, sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Viglacera (Mã CK: VGC), CADIVI (Mã CK: CAV), và THIBIDI.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gelex ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.910 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu doanh thu năm 2024 là 32.303 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.921 tỷ đồng, sau 6 tháng đầu năm, Gelex đã hoàn thành 46,2% kế hoạch doanh thu và 92,1% kế hoạch lợi nhuận.
Nguồn: Tổng hợp |
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Gelex đạt 52.442 tỷ đồng, với tiền và tương đương tiền đạt 4.322 tỷ đồng. Các chỉ số tài chính và hệ số nợ đều có sự cải thiện tích cực.
Vốn hóa thị trường của Tập đoàn đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Văn Tuấn sở hữu hơn 202 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,76%).
Trong quý II vừa qua, Gelex đã hoàn tất chuyển nhượng 3/4 dự án năng lượng tái tạo cho đối tác Sembcorp. Việc bắt tay với Sembcorp - tập đoàn hàng đầu về năng lượng tái tạo từ Singapore - hứa hẹn sẽ giúp Gelex phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam và quốc tế.
Bên cạnh đó, mảng lĩnh vực thiết bị điện cũng ghi nhận kết quả hồi phục ấn tượng với doanh thu thuần đạt 5.222 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong vòng 8 quý vừa qua.
Đối với mảng khu công nghiệp và bất động sản, doanh thu quý II đạt 788 tỷ đồng, giảm 36,5% so với quý trước. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực được đánh giá có nhiều triển vọng trong giai đoạn tới.
Các dự án Bất động sản KCN của Viglacera (Nguồn: VCBS) |
Theo báo cáo của VCBS, Viglacera còn khoảng 848ha đất KCN có thể kinh doanh với 90ha sẵn sàng cho thuê. Trong đó, KCN Yên Mỹ và Thuận Thành còn lần lượt khoảng 80ha và 177ha có thể cho thuê với giá thuê lần lượt là 130 USD/m2/chu kỳ và 140 USD/m2/chu kỳ với biên lợi nhuận gộp ước tính từ 45-50%. Đây sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy mảng KCN của VGC trong bối cảnh các KCN lớn như Yên Phong MR, Yên Phong II-C đã hết đất.
Năm 2024, VGC tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm những KCN mới, đặc biệt VGC đã thành công được phê duyệt dự án KCN Dốc Đá Trắng (296ha) với tổng mức đầu tư 1.807 tỷ đồng và KCN Sông Công II TMĐT 3.985 tỷ đồng.
>> Gelex (GEX) chính thức trở thành cổ đông lớn của Eximbank (EIB)