Chỉ số chứng khoán lệch với nền kinh tế thực: Chuyện không cần thắc mắc

17-06-2021 09:20|Thanh Nga (tổng hợp)

Việc nhà đầu tư kỳ vọng vào một tương lai tươi đẹp hơn và đẩy thị trường liên tiếp lên đỉnh mới bất chấp nền kinh tế thực có đang bị khó khăn do đại dịch là có cơ sở.

Đầu năm 2020, chỉ số VN-Index cắm đầu giảm 33,5% trong hai tháng, chạm đáy 659 điểm vào ngày 24/3. Sau vài phiên hồi phục ngắn, thị trường lại tụt xuống sát 662 điểm vào phiên 30/3.

Cuối tháng 3/2020 cũng chính là khoảng thời gian dịch COVID-19 đợt đầu tiên đang lan rộng tại nước ta, Thủ tướng Chính phủ phải liên tiếp ban hành hai chỉ thị số 15 về giãn cách xã hội và số 16 về cách ly xã hội để ngăn dịch.

Từ 31/3 đến 22/4, cả nước phải cách ly theo Chỉ thị 16. Trên bầu trời chỉ có vài chuyến bay mỗi ngày, đường xá ở các đô thị lớn cũng vắng vẻ đìu hiu, hàng quán đóng cửa, trường lớp cho học sinh ở nhà, …

Đây là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với cả nước Việt Nam. Các ca bệnh mới được phát hiện hàng ngày, cơ quan chức năng cũng như người dân chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với COVID-19, giới doanh nghiệp cũng lúng túng trước cú sốc quá lớn và bất ngờ, tâm lý lo sợ lan rộng, …

Bất chấp tất cả, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thăng hoa trong những ngày giãn cách. Từ kết phiên 30/3 đến hết ngày 20/4, VN-Index bật tăng 20%.

undefined

Diễn biến này của thị trường chứng khoán cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy hiện trạng lúc đó khá tăm tối nhưng "sau cách ly trời lại sáng", nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân sẽ được hưởng lợi.

Những số liệu thực tế đã chứng minh niềm tin của nhà đầu tư được đặt đúng chỗ. Tốc độ tăng trưởng GDP xuống đáy trong quý II/2020 ở mức 0,39%, sau đó đã bật lên 2,69% trong quý III và 4,48% trong quý IV. Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương tới 2,91% trong năm COVID đầu tiên.vChỉ số VN-Index được đẩy từ khoảng đáy 660 điểm vào cuối tháng 3 lên đến hơn 1.100 điểm vào ngày cuối năm 2020, tương đương với mức tăng 67% trong 9 tháng.

Sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu thêm hai đợt COVID-19 nữa. Đợt 3 từ 28/1 đến 26/4, bao trùm cả kì nghỉ Tết Tân Sửu. Đợt 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay chưa dứt.

Trong bối cảnh đó, VN-Index vẫn lầm lũi tiến lên, phá đỉnh cũ 1.204 điểm, vượt mốc 1.300 điểm và lên tới 1.374 điểm vào phiên 4/6, tăng 24,5% so với đầu năm. Diễn biến này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng nếu đối chiếu đợt tăng ấn tượng bắt đầu vào cuối tháng 3/2020 thì lại trở nên rất bình thường.Việc nhà đầu tư kỳ vọng vào một tương lai tươi đẹp hơn và đẩy thị trường liên tiếp lên đỉnh mới là có cơ sở.

Nói chuyện thị trường chứng khoán lệch pha với nền kinh tế thực thì không thể không nhắc tới nước Mỹ.

Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng tạo đáy vào khoảng ngày 23/3/2020 tương tự như VN-Index của Việt Nam. Khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải miễn cưỡng ra lệnh giãn cách xã hội để ngăn dịch lây lan, sau nhiều tuần coi thường mức độ nguy hiểm của COVID-19.

Đến tháng 12, dịch bệnh bùng phát cực kỳ dữ dội, mỗi ngày trôi qua nước Mỹ lại có thêm trên 200.000 ca dương tính mới và khoảng 2.000 – 4.000 người tử vong. Bệnh viện khắp nơi bị quá tải, vắc xin chưa được triển khai, hơn 20 triệu người thất nghiệp, …

Tai ương về y tế cũng như kinh tế ở Mỹ còn tồi tệ hơn ở Việt Nam rất nhiều lần.nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn phá hết đỉnh nọ đến đỉnh kia. Dow Jones kết năm ở 30.606 điểm, tăng 65% so với đáy hồi tháng 3 và cao hơn cả mức kỷ lục trước dịch. S&P 500 cũng vọt lên tới 68% trong 9 tháng.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chi-so-chung-khoan-lech-voi-nen-kinh-te-thuc-chuyen-khong-can-thac-mac-119165.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ số chứng khoán lệch với nền kinh tế thực: Chuyện không cần thắc mắc
    POWERED BY ONECMS & INTECH