"Chìa khóa" để ngành Bưu điện từ mạng lưới lạc hậu đi thẳng vào công nghệ số
Trong quá trình phát triển, ngành Thông tin và Truyền thông đã có những thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào lịch sử đất nước. Điều đó đã khích lệ lòng tự hào của các thế hệ, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với trách nhiệm và bổn phận của thế hệ tiếp nối. Nhân dịp kỉ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành (28/8) PV đã có cuộc trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, cùng ôn lại những bài học sâu sắc của quá khứ, làm điểm tựa để tiếp nối tương lai.
Phóng viên: Sau năm 1986, ngành Bưu điện với mạng lưới lạc hậu đã mạnh mẽ đi thẳng vào công nghệ số, theo ông, đâu là đòn bẩy để chúng ta làm nên cuộc cách mạng đó?
Ông Lê Nam Thắng: Năm 1986, sau đại hội VI của Đảng, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, chuyển từ kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Từ thời điểm đó đến nay, theo tôi, ngành Bưu điện đã đi qua 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn kéo dài quãng 10 năm với các dấu mốc tương đối rõ nét:
Giai đoạn 1 từ năm 1986 đến năm 1995: Liên quan nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT). Nội dung chủ yếu của giai đoạn này là số hóa mạng lưới viễn thông (chuyển đổi từ analog sang digkital) và đi thẳng vào công nghệ hiện đại (thông tin vệ tinh, thông tin cáp quang…).
Giai đoạn thứ 2 từ năm 1996 đến năm 2005: Liên quan nhiều đến công tác quản lý nhà nước (Tổng cục Bưu Điện, Bộ Bưu chính Viễn thông). Nội dung của giai đoạn này tập trung chủ yếu vào việc mở cửa thị trường viễn thông. Ngoài VNPT đã cho phép thêm nhiều doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường (Viettel, SPT, FPT, Hanoi Telecom, Netnam…) và thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và hạ giá cước dịch vụ viễn thông.
Giai đoạn thứ 3 từ năm 2006 đến năm 2015: Liên quan đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
Nội dung chủ yếu của giai đoạn này về phía sản xuất kinh doanh là phổ cập các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là dịch vụ Internet và dịch vụ di động, đến từng người dân, từng hộ gia đình, còn về phía quản lý nhà nước là xây dựng chính sách, luật pháp tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông, Internet ( xây dựng Luật Viễn thông, Luật Tần số năm 2009) và thúc đẩy phổ cập dịch vụ viễn thông (hình thành Quỹ viễn thông công ích, cơ cấu lại thị trường và đổi mới các doanh nghiệp nhà nước để bóc tách hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh).
Kết quả là dịch vụ di động, dịch vụ Internet đã được “bình dân hóa”, tỷ lệ người dùng Internet và di động tăng nhanh chóng. Liên minh viễn thông thế giới (ITU) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ phát triển dẫn đầu trên thế giới. Các thành phần kinh tế tư nhân và nước ngoài cũng bằng các hình thức khác nhau đã tham gia vào hoạt động viễn thông ở Việt Nam, dù quy mô còn rất nhỏ bé (FPT, CMC, Hanoi Telecom…)
Giai đoạn thứ 4 từ năm 2016 đến nay: Nội dung chủ yếu là đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lên môi trường số với việc ứng dụng các công nghệ như Big data, Icloud, IoT, AI…
Nói về chìa khóa thành công của giai đoạn 1 với nhiệm vụ là số hóa mạng lưới và đi thẳng vào công nghệ hiện đại, thì theo tôi biết, để thực hiện được các mục tiêu này, ngành Bưu điện lúc đó phải có tiền và có công nghệ. Tuy nhiên, đất nước ta vừa mới bước ra khỏi các cuộc chiến tranh, còn nghèo nàn lạc hậu, lại đang bị cấm vận. Để tìm được vốn và công nghệ hiện đại, chúng ta cần phải có những quyết sách sáng suốt và đúng đắn.
May mắn thay, ngành Bưu điện lúc đó có những người lãnh đạo tài ba và dũng cảm đứng đầu là chú Đặng Văn Thân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã đề nghị xin chủ trương của Đảng, Nhà nước cho hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây để có tiền đầu tư và có công nghệ hiện đại, nói nôm na như trong ngành là chính sách “lấy ngoài nuôi trong”.
Chính sách này đã giúp chúng ta có hàng loạt các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các tập đoàn công nghệ viễn thông của Australia, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhờ hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, chúng ta đã giải quyết được bài toán về vốn và về công nghệ.
Tuy nhiên, đây chỉ là ngoại lực, còn cốt lõi phải là nội lực. Khi đó, hoạt động sản xuất của ngành vẫn là bao cấp, theo cơ chế xin cho. Nếu có tiền, có công nghệ mà hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn theo kiểu xin cho thì chắc chắn quá trình thực hiện việc đầu tư hiện đại hóa mạng lưới sẽ vô cùng khó khăn. Chính vì vậy các đồng chí lãnh đạo ngành Bưu điện đã xin nhà nước cơ chế tự đi vay, tự trả nợ và tiền làm ra được để lại đầu tư vào mạng lưới, chứ không trông chờ xin ngân sách, hay nói ngắn gọn là cơ chế “tự vay, tự trả”.
Với hai chính sách nói trên, ngành Bưu điện trong một thời gian ngắn đã hiện đại hóa được mạng lưới viễn thông, thậm chí, việc số hóa mạng lưới viễn thông của Việt Nam còn đi nhanh hơn một số nước phương Tây lúc bấy giờ, bởi quy mô mạng lưới của chúng ta nhỏ, thiết bị đơn sơ, trong khi các nước khác đã đầu tư hệ thống analog rất nhiều, nên việc chuyển dịch sang hệ thống digital sẽ chậm hơn.
Cơ chế hợp tác nước ngoài “lấy ngoài nuôi trong” và “tự vay tự trả” là chìa khóa cho quá trình số hóa, nhưng việc đưa cơ chế thành hiện thực được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Như tôi nói ở trên, việc hợp tác với nước ngoài chỉ là ngoại lực, nhưng chúng ta phải có nội lực để thực hiện. Với cơ chế “tự vay, tự trả”, người lao động trong ngành Bưu điện lúc bấy giờ được trả lương xứng đáng với công sức bỏ ra, nhờ vậy năng suất lao động và tinh thần làm việc trong toàn ngành được nâng cao hơn hẳn so với trước kia.
Họ toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc, cho việc xây dựng, phát triển mạng lưới hiện đại, trong khi người lao động của nhiều ngành khác lúc đó phải “chân trong, chân ngoài” để có tiền lo cho cuộc sống.
Với cơ chế này, ngành Bưu điện đã tập hợp được lực lượng những người lao động có tâm, có tài thực hiện thành công chiến lược số hóa mạng lưới trong thời gian tương đối ngắn. Tôi nhớ thời kỳ đó, hầu như tháng nào cũng có công trình khánh thành và được đưa vào sử dụng trên mạng lưới.
Sau quá trình số hóa, chúng ta cũng đã thành công trong việc mở cửa thị trường, tạo cạnh tranh. Quá trình này cũng là vấn đề mới và khó, vậy chúng ta đã giải bài toán này thế nào, thưa ông?
Tôi được điều chuyển lên công tác ở Tổng cục Bưu điện từ năm 1997, những năm tiếp theo sau đó Tổng cục đã tập trung nhiều đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật cho việc mở cửa thị trường và thúc đẩy cạnh tranh như Nghị định 109/1997/NĐ-CP về Bưu chính Viễn thông, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông 43/2002/UBTVQH10. Phải nói đây là vấn đề mới và khó, vì trước giai đoạn này hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh là một. Nói nôm na trước năm 1991 Tổng cục Bưu điện vừa quản lý nhà nước vừa sản xuất kinh doanh.
Từ năm 1991, chúng ta mới tách hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh ra riêng biệt. Quyết định này của Chính phủ đã đặt bước khởi đầu cho việc bỏ cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” và xây dựng chính sách mở cửa thị trường, thúc đẩy cạnh tranh. Sau thời điểm trên mặc dù ngành Bưu điện đã tách quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh, nhưng tư tưởng cục bộ, địa phương vẫn còn trong bộ máy hiện hành, nên việc mở cửa thị trường thực sự mà nói cũng không khởi sắc.
Mãi đến năm 1996, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý chủ trương và Tổng cục Bưu điện cấp phép cho 2 doanh nghiệp mới là Viettel và SPT tham gia cung cấp dịch vụ, thì thị trường viễn thông mới manh nha hình thành. Mặc dù hai doanh nghiệp này có quy mô rất nhỏ, chưa có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ, nhưng đây cũng được coi là những hạt giống đầu tiên của quá trình mở cửa thị trường cho những năm tiếp theo. Thực sự mà nói nếu không có những quyết sách mạnh mẽ của Thủ tướng lúc đó thì thời gian mở cửa thị trường chắc sẽ còn phải lâu hơn.
Năm 1997 Internet vào Việt Nam đã tạo bước ngoặt quan trọng trong việc mở cửa thị trường với việc Tổng cục Bưu điện cấp phép cho 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là FPT, Netnam, SPT, VNPT. Để cung cấp dịch vụ Internet, đầu tư hạ tầng sẽ không quá tốn kém như đối với dịch vụ viễn thông, chính vì vậy Tổng cục Bưu điện đã chọn Internet làm khâu đột phá cho việc mở cửa thị trường viễn thông và để cho các doanh nghiệp bước đầu tập dượt cạnh tranh.
Việc cấp phép cung cấp dịch vụ Internet cũng được coi như là một cuộc thử nghiệm đối với chính sách mở cửa thị trường của Tổng cục Bưu điện. Nếu thành công Tổng cục Bưu điện sẽ mở tiếp cạnh tranh đối với các dịch vụ khác. Việc phát triển mạnh mẽ của Internet những năm tiếp theo sau đó đã chứng minh cho sự đúng đắn của chính sách mở cửa thị trường và thúc đẩy cạnh tranh đối với lĩnh vực viễn thông.
Mặc dù Tổng cục Bưu điện đã cấp phép cho Viettel và SPT cung cấp dịch vụ viễn thông từ năm 1996, nhưng để tham gia thị trường, xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ cần có vốn đầu tư rất lớn, trong khi các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và không đủ nguồn lực để xây dựng hạ tầng viễn thông. Đầu những năm 2000 thế giới xuất hiện công nghệ VoIP. Đối với dịch vụ này đầu tư không cần lớn, dễ triển khai, nhưng lại có doanh thu tốt, do đó nếu cho phép các doanh nghiệp mới làm sẽ giúp họ nhanh chóng có nguồn thu để xây dựng hạ tầng viễn thông.
Khi đó, trong nội bộ VNPT đã sớm có đề án xin cung cấp dịch vụ VoIP nhưng chưa được lãnh đạo VNPT thông qua vì lo ngại ảnh hưởng đến dịch vụ truyền thống. Vì vậy, khi Viettel có đề xuất, Tổng cục Bưu điện đã cấp phép cho Viettel thử nghiệm dịch vụ VoIP trong nước với thời hạn 1 năm. Việc cấp phép cho Viettel - doanh nghiệp quân đội làm VoIP sẽ không tạo ra lo ngại hay thắc mắc về câu chuyện an ninh và nguồn thu cho ngân sách, đồng thời người dân cũng có thêm sự lựa chọn dịch vụ với giá cước rẻ hơn và tạo sự cạnh tranh trên thị trường.
Sau 1 năm, Viettel đã thử nghiệm thành công dịch vụ này trong nước, có được nguồn thu khá, Tổng cục Bưu điện đã quyết định cấp phép thêm cho các doanh nghiệp khác cùng cung cấp dịch vụ, trong đó có cả VNPT, đồng thời cho mở cả dịch vụ VoIP quốc tế.
Tiếp theo Internet, việc mở cửa thành công dịch vụ VoIP càng khẳng định việc mở cửa thị trường viễn thông là đúng đắn và không thể đảo ngược, đồng thời đặt nền móng cho việc mở cửa tiếp theo hai dịch vụ viễn thông quan trọng nhất là viễn thông cố định và viễn thông di động.
Như vậy có thể nói Tổng cục Bưu điện và sau này là Bộ Bưu chính Viễn thông đã có những bước đi mở cửa thị trường viễn thông bài bản, chắc chắn, nhưng cũng không thiếu phần kiên quyết trước các trở ngại và thách thức.
Khi mở cửa cạnh tranh, đặc biệt khi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP, dịch vụ di động, xuất hiện rất nhiều câu chuyện kiện cáo, khiếu nại nhau giữa các doanh nghiệp và cũng tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý. Với vai trò tham gia quản lý lĩnh vực nóng bỏng này, các cơ quan quản lý đã xử lý như thế nào?
Phải nói rằng, giai đoạn đầu khi mở ra cho cạnh tranh các dịch vụ viễn thông, đã có rất nhiều áp lực lên cơ quan quản lý, đặc biệt là việc kết nối mạng lưới giữa các doanh nghiệp. Nhìn chung, các cán bộ của cơ quan quản lý lúc đó đã làm việc hết sức tận tâm, đầy trách nhiệm, không quản khó khăn, cùng nhau bàn bạc, thảo luận để tháo gỡ và xử lý từng việc. Nhiều vấn đề mới chúng tôi lúc đó phải vừa làm, vừa học, vừa đọc tài liệu để tìm ra cách giải quyết. Trên thực tế thì có lúc cũng phải gay gắt, kiên quyết với các doanh nghiệp, nhưng cũng có lúc phải tình cảm, thuyết phục anh em để đạt được mục đích nhiệm vụ được giao.
Quan trọng ở thời điểm đó cơ quan quản lý có những người lãnh đạo đứng mũi chịu sào, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bảo vệ anh em vì cái đúng.
Khi mở cửa thị trường và xuất hiện cạnh tranh thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước càng được khẳng định và nâng cao, nên dù vất vả nhưng không khí làm việc của cán bộ rất phấn chấn. Dù công việc trong giai đoạn đó áp lực, nhưng chúng tôi làm việc hăng say, vui vẻ, không kể thời gian giờ giấc.
Nói về áp lực đối với cơ quan quản lý, tôi nhớ tới hai câu chuyện sau: khi cấp phép cho Viettel làm VoIP chúng tôi chịu nhiều áp lực từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp chủ đạo, nhưng đồng chí Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ đã nói nói với chúng tôi “bọn em cứ làm đi có gì anh chịu trách nhiệm”. Có người lãnh đạo như vậy nên các đơn vị tham mưu, cấp dưới dám đề xuất và tổ chức triển khai các chính sách, quy định, chế tài về kết nối, giá thuê kênh, giải quyết vướng mắc giữa các doanh nghiệp một cách hợp tình, hợp lý và nhanh chóng.
Khi lĩnh vực viễn thông đem lại lợi nhuận cao, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước xin cấp phép dịch vụ di động như: Ngân hàng, hàng không, điện lực… trong khi thị trường viễn thông Việt Nam lúc đó quy mô cũng chưa lớn, nên việc cấp phép nhiều, đặc biệt là cho các tập đoàn nhà nước sẽ gây chồng chéo, lãng phí nguồn lực và không hiệu quả. Vì vậy đồng chí Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông thời điểm ấy đã đề nghị xem xét kỹ và chưa cấp phép vội cho điện lực (EVNT). Tuy nhiên áp lực lên cơ quan quản lý cho EVNT làm di động rất lớn, thậm chí Bộ và Ban cán sự bị cấp trên yêu cầu kiểm điểm vì chậm cấp phép cho điện lực. Sau này khi EVNT làm ăn thua lỗ và phải sáp nhập vào Viettel thì chúng tôi không phải chịu trách nhiệm và làm kiểm điểm gì nữa.
Sau khi mở cửa hoàn toàn thị trường viễn thông, áp lực và công việc giải quyết khiếu nại giữa các doanh nghiệp cũng dần dần giảm đi. Một phần là do các hệ thống văn bản quản lý ngày càng đầy đủ và hoàn thiện, mặt khác các doanh nghiệp cũng quen dần với cạnh tranh, coi đấy là việc tất yếu trong quá trình phát triển đi lên của lĩnh vực viễn thông.
Lúc này, vai trò cơ quan quản lý không còn là bà đỡ cho các doanh nghiệp mới, đi xử lý từng vụ việc về kết nối nữa, mà tập trung làm sao bảo đảm cho thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Tất nhiên lúc này cũng xuất hiện thêm nhiều vấn đề mới như phá giá, khuyến mại không đúng quy định, sử dụng chung cơ sở hạ tầng, bán SIM rác tràn lan trên thị trường và xuất hiện các dịch vụ OTT đòi hỏi cơ quan quản lý phải xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định mới và có cách quản lý, tiếp cận phù hợp.
Sau thời kỳ viễn thông tăng trưởng mạnh, hiện nay thị trường đã bắt đầu bão hòa và dịch vụ viễn thông truyền thống suy thoái. Điều này đòi hỏi chúng ta phải mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, thậm chí đây có thể coi là cuộc đổi mới lần thứ 2 của ngành. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn sụp đổ vì bảo thủ và không tự thay đổi theo xu thế mới. Nokia là một ví dụ, khi đứng đầu trong lĩnh vực điện thoại truyền thống và có doanh thu, lợi nhuận lớn nhưng không kịp chuyển đổi, nên khi Apple và Samsung gia nhập thị trường điện thoại thông minh (smartphone) thì Nokia đã không thể cạnh tranh nên thua lỗ và sụp đổ.
Thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp viễn thông hiện nay là các dịch vụ OTT (IP phone, IP TV…) với các mô hình kinh doanh mới (Facebook, Tiktok…). Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải tự chuyển đổi mô hình kinh doanh với việc ứng dụng các giải pháp và công nghệ mới như Big data, Icloud, AI… Đây là xu thế và bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi chứ không thể níu kéo dịch vụ viễn thông truyền thống. Có thể nói quá trình chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp viễn thông lần này là vấn đề sống còn, tồn tại hay không tồn tại.
Cảm ơn ông!
Bài: Thái Khang
Ảnh: Xuân Ngọc - Thái Khang
Thiết kế: Hồng Anh