Sống

Chiêm ngưỡng đại công trình thuỷ điện kỳ vĩ của Việt Nam, "bạt núi khoan hầm" để trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á

Quỳnh Như 28/08/2023 11:32

Nhà máy có thiết kế nửa nằm trong núi, đòi hỏi độ chính xác cao trong kỹ thuật thi công, trở thành một trong các thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từng là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 cho đến khi kỉ lục này bị phá vỡ bởi Thủy điện Sơn La (khánh thành vào năm 2012). Dù vậy, nhà máy này vẫn là công trình có giá trị lịch sử hết sức to lớn đối với nhân dân Việt Nam, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Empty

Từ "sông Đà bất trị" đến công trình mang dấu ấn thời đại

Thủy điện Hoà Bình là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20, với bốn nhiệm vụ, trong đó điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu.

Công trình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị, được khởi công xây dựng 06/11/1979, khánh thành 20/12/1994. Đập dâng nước của nhà máy được áp dụng phương pháp màn chống thấm (đập đất đá lõi sét) chiều dài 734m, chiều cao 128m, chịu cột nước chênh lệch thượng, hạ lưu 102m. Để xây dựng đập, hàng chục vạn công nhân phải tiến hành hai lần ngăn sông. Đợt 1 vào 12/1/1983 và đợt 2 vào 9/1/1986.

Phần thân của nhà máy nằm ngầm trong lòng đất. Để chống động đất và thấm nứt, các chuyên gia Liên Xô đã áp dụng kinh nghiệm xây đập thuỷ điện Aswan trên sông Nile (Ai Cập), bằng cách sử dụng kỹ thuật khoan phun xi măng và khoan phụt. Các loại vữa sét được phụt vào nền cát, cuội sỏi nằm trong lòng sông, tiếp đó, khoan vào nền đá và phun xi măng vào toàn bộ các lỗ khoan trong đá để tạo kết dính. Phương pháp này được tính toán vì vùng Tây Bắc có những cơn địa chấn lên đến cấp 8; sự chênh lệch lưu lượng nước giữa mùa khô và mùa lũ lớn, chẳng hạn như năm 1971 ghi nhận lưu lượng mùa khô 600 m3/s còn mùa lũ lên đến 14.800 m3/s.

nha-may-thuy-dien-hoa-binh

Đập xả tràn của Thủy điện Hòa Bình có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Tại cửa xả lũ được xây những trụ bê tông hình kim tự tháp để giảm vận tốc của nước khi xả.

Lực lượng tham gia công trình gồm 30.000 cán bộ công nhân, 5.000 chiến sỹ, 750 chuyên gia Liên Xô, 1.000 cán bộ ban quản lý công trình.

Qua 9 năm thi công, 14 giờ 10 phút ngày 24/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước và ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy cuối cùng - tổ máy thứ 8 phát điện lên lưới.

Empty
Empty
Hầm thân đập dẫn vào bên trong nhà máy được lát đá, nếu đi từ cổng chính vào có chiều dài khoảng hơn 300 mét. Ảnh: VnExpress.

Thời kỳ đầu vận hành, điện sản xuất từ nhà máy chiếm khoảng 40% toàn hệ thống. Sau hơn 30 năm hoạt động, ngày 25/5/2021, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cán mốc sản lượng 250 tỷ kWh điện sản xuất, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Đây là mốc sản lượng mà đến nay chưa có nhà máy thủy điện nào ở Việt Nam đạt được.

Không chỉ vậy, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Việc vận hành, điều tiết hồ chứa với dung tích 9 tỷ m3 đã giúp vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.

Kể từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay, Thủy điện Hòa Bình đã chế ngự được hàng chục trận lũ lớn trên 10.000 m3/giây. Điển hình là trận lũ lịch sử tháng 8/1996 có lưu lượng hơn 22.650 m3/giây; trận lũ muộn xuất hiện tháng 10/2017 (khi hồ chứa đã đầy) lưu lượng gần 16.000 m3/giây với những diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Empty

Bên cạnh “sứ mệnh” chế ngự lũ, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng, tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác. Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm 65 - 70% tổng lượng xả từ tất cả hồ thủy điện lớn ở phía Bắc, giúp các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng.

Tiếp tục được đầu tư thêm 9.200 tỷ đồng, "bạt núi khoan hầm" để mở rộng

Để tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá của các hồ thuỷ điện trên thượng nguồn, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước, ngày 10/01/2021, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức được khởi công, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MB, nâng tổng công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lên 2.400 MB, bằng công suất thủy điện Sơn La.

Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy chính thuộc phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh dẫn vào thuộc các phường Thái Bình, Phương Lâm, Thái Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Nhà thầu xây lắp là Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - CTCP Xây dựng 47 - Lilama 10. Trong đó, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị từng tham gia xây dựng dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cách đây 30 năm.

Kể từ khi bắt đầu triển khai xây dựng dự án, tất cả các tuyến đường từ TP Hòa Bình vào khu vực Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đều được chốt chặn, những người không có nhiệm vụ cấm vào công trường đang thi công. Khách du lịch muốn tham quan Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu chỉ có một con đường duy nhất đi từ phía bờ trái của đập Thủy điện Hòa Bình.

Empty
Đại công trường xây nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ảnh: VTC News.

Khởi công xây dựng được hơn 10 tháng, tháng 11/2021 dự án phải tạm dừng thi công do sạt hố móng. Sau khi xem xét đánh giá toàn diện, xử lý xong sạt trượt mái dốc bảo đảm ổn định và an toàn, Thủ tướng Chính phủ đã cho dự án tiếp tục được thi công trở lại vào tháng 9/2022.

Từ đó đến nay, dự án thi công đảm bảo an toàn, đúng tiến độ. Đánh giá của Viện Vật lý Địa Cầu cho thấy, chỉ số rung chấn trong quá trình thi công dự án nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu trong hồ sơ thiết kế, không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu gồm: Đập Thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ,...

Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý 3/2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý 4/2024. Sau khi hoàn thành, toàn bộ hai Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (hiện hành và mở rộng) có tổng công suất là 2.400 MW, điện lượng trung bình năm đạt 10,495 tỷ kWh.

Dự án mở rộng, khi đưa vào vận hành sẽ giúp tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia thêm 480 MW, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 9 của Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện.

"Lóa mắt" khách sạn dát vàng ròng 9999 đầu tiên trên thế giới của Việt Nam: Chi phí 2.400 tỷ, riêng cửa thang máy tốn khoảng 5 tấn vàng

Phát hiện ô tô chìm dưới lòng hồ thủy điện Hòa Bình, lực lượng công an, cứu hộ trục vớt, tìm thấy thi thể bên trong

Việt Nam sẽ có thêm một khu du lịch quốc gia: Là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất, cấp nước cho công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chiem-nguong-dai-cong-trinh-thuy-dien-ky-vi-cua-viet-nam-bat-nui-khoan-ham-de-tro-thanh-nha-may-thuy-dien-lon-nhat-dong-nam-a-d107737.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chiêm ngưỡng đại công trình thuỷ điện kỳ vĩ của Việt Nam, "bạt núi khoan hầm" để trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH