Quốc tế

Chiến lược “An ninh với Mỹ, kinh tế với Trung Quốc” của Hàn Quốc không còn hiệu quả

Quỳnh Vân 18/12/2023 - 16:31

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Hàn Quốc cần phải hết sức thận trọng trong việc vạch ra chiến lược an ninh kinh tế của mình.

Hàn Quốc là một quốc gia với nền kinh tế định hướng xuất khẩu, có giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 48% GDP, gần gấp đôi con số của EU là 25%.

Không chỉ vậy, nước này còn trở thành đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, thậm chí hơn cả EU khi xuất khẩu 23% lượng hàng hóa sang Trung Quốc trong khi đất nước “tỷ dân” chỉ mua 9% tổng lượng hàng xuất khẩu của EU.

Đồng thời, Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ về mặt an ninh, dựa vào “Hiệp ước phòng thủ chung” được ký kết sau khi Chiến tranh Triều Tiên đình chiến năm 1953.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu bên cạnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong hội nghị thượng đỉnh ba bên. Ảnh: Michael Reynolds

Sự mơ hồ về mặt chiến lược

Không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc theo đuổi chiến lược “mơ hồ” cùng với phương châm “an ninh với Mỹ, kinh tế với Trung Quốc”, theo bài phân tích của Lee Seungjoo, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Chung Ang và là thành viên ủy ban cố vấn của Chính phủ Hàn Quốc về an ninh kinh tế và đối ngoại.

Sự mơ hồ về mặt chiến lược có nghĩa là “xứ kim chi” sẽ không lên tiếng chống lại Trung Quốc về các chủ đề quan trọng và nhạy cảm đối với Bắc Kinh, như việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay đàn áp phe đối lập ở Hồng Kông.

Oh Taehyun, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP), nói với tờ Euractiv: “Chúng tôi cố gắng tránh xa tư tưởng cạnh tranh”.

Tuy nhiên, chiến lược này gặp phải những thách thức. Sau khi mua hệ thống tên lửa mới của Mỹ để bảo vệ không phận, Hàn Quốc đã phải chịu áp lực từ Trung Quốc và đối mặt với các biện pháp trừng phạt về kinh tế.

Ông Lee viết: “Trải nghiệm ép buộc kinh tế này đã khiến Hàn Quốc áp dụng chiến lược an ninh kinh tế một cách chủ động hơn”.

Đặt an ninh lên trên hiệu quả

Giống như các cường quốc định hướng thương mại khác, Hàn Quốc đang cố gắng đa dạng hóa quan hệ thương mại và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương cũng như sự phụ thuộc về kinh tế.

Nhà nghiên cứu Oh của KIEP cho biết, trong khi các công ty Hàn Quốc trước đây chọn đối tác trong chuỗi cung ứng dựa trên hiệu quả của họ, thì giờ đây họ “chọn những đối tác đáng tin cậy, ngay cả khi họ có thể kém hiệu quả hơn một chút”.

Và với những lo ngại về an ninh vượt trên những cân nhắc về kinh tế, chính phủ Hàn Quốc đã chọn cách gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ.

Hậu quả

Nếu Hàn Quốc tách rời hoàn toàn với Trung Quốc, rất có khả năng sẽ bị trả đũa. Trung Quốc hiện tại đang nắm giữ ưu thế trước Hàn Quốc với tư cách là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, đồng thời cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng mà ngành công nghiệp Hàn Quốc cần.

“Đúng là nền kinh tế và chuỗi cung ứng của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, vì vậy chúng tôi cần đưa ra quyết định nhằm giảm thiểu rủi ro”, Oh nói.

Ông đưa ra quan điểm: “Hàn Quốc cũng cần tính đến chiến lược của các nước khác, điều đó có nghĩa là phối hợp với các quốc gia có cùng quan điểm, đặc biệt là Mỹ”.

Năm 2019 chứng kiến cuộc xung đột thương mại với Nhật Bản khi quốc gia này áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ hướng tới Hàn Quốc, dẫn đến quan điểm của ông Oh bị rút lui.

Vụ việc khiến Hàn Quốc phải có những bước đi chủ động hơn để bảo vệ chủ quyền kinh tế và công nghệ. Năm 2022, chính phủ cũng chỉ định 12 công nghệ chiến lược quốc gia và lên kế hoạch đầu tư khoảng 20 tỷ euro vào chúng trong 5 năm tới.

Người hòa giải

Nhưng ngay cả khi Hàn Quốc có thể hướng tới một chiến lược an ninh kinh tế chặt chẽ và xâm lấn hơn, thì ngay từ đầu, nước này đã không cần đến chiến lược đó

Đứng giữa hai cường quốc, kết quả mong muốn của Hàn Quốc và cũng là của EU cùng các bên tập trung vào thương mại khác, sẽ là làm giảm căng thẳng quốc tế.

Nhà nghiên cứu Oh Taehyun bày tỏ hy vọng rằng Hàn Quốc có thể sử dụng vị trí trung gian của mình để đóng vai trò hòa giải và thúc đẩy lợi ích của các cường quốc tầm trung muốn giữ nguyên trật tự dựa trên luật lệ như mình.

Bởi theo như ông lo ngại, nếu một quốc gia chọn thực hiện các biện pháp cực đoan, hậu quả có thể không thể khắc phục được.

>> Hàn-Trung-Nhật đồng ý khôi phục và bình thường hóa hợp tác ba bên

Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Dân số Hàn Quốc sẽ giảm xuống mức tương đương thập niên 1970

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia áp loạt trừng phạt mới chống Triều Tiên

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chien-luoc-an-ninh-voi-my-kinh-te-voi-trung-quoc-cua-han-quoc-khong-con-hieu-qua-214705.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chiến lược “An ninh với Mỹ, kinh tế với Trung Quốc” của Hàn Quốc không còn hiệu quả
POWERED BY ONECMS & INTECH