Siêu cường chủ chốt của BRICS đẩy nhanh dự án hệ thống đường sắt tỷ đô kết nối 3 biển và khu vực Tây Á
Dự án hành lang vận tải chiến lược kết nối với hệ thống đường sắt Á - Âu đang được Nga, Iran, và Azerbaijan tích cực thúc đẩy trong bối cảnh rủi ro an ninh ngày càng gia tăng.
Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC) đang được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa tuyến thương mại giữa các quốc gia Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư với Nga, Tây Âu và khu vực Scandinavia. Điểm nổi bật của tuyến đường này là khả năng giảm thời gian vận chuyển từ 45-60 ngày xuống chỉ còn 20-25 ngày so với tuyến đường biển truyền thống qua Kênh đào Suez.
Các quốc gia tham gia dự án này đã đặt mục tiêu đạt 30 triệu tấn hàng hóa quá cảnh qua hành lang này vào năm 2030. Dự án đã khởi động từ năm 2000 với thỏa thuận giữa Nga, Iran và Ấn Độ, sau đó Azerbaijan tham gia vào năm 2005.
Trong khuôn khổ dự án, đoạn đường sắt nối ga Astara (Azerbaijan) với thành phố Astara (Iran) đã hoàn thành. Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào xây dựng tuyến Astara-Rasht dài 167km, mắt xích còn thiếu để hoàn thiện mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia từ Scandinavia đến Vịnh Ba Tư.
Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali cho biết, các quan chức hai nước vừa có cuộc thảo luận về kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt quan trọng nối Parsabad - thành phố biên giới Iran-Azerbaijan với cảng Bandar Abbas ở Vịnh Ba Tư.
Tháng 5/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi đã đạt thỏa thuận hợp tác xây dựng tuyến đường sắt này. Gần đây nhất, vào tháng 2/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Mehdi Safari đã có chuyến thăm Moscow, gặp gỡ các quan chức cấp cao Nga để tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai đoạn đường dài 162km.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao tiềm năng của dự án: "Tuyến đường này nhanh hơn khoảng 10 ngày so với tuyến Kênh đào Suez, và lợi nhuận của dự án đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, bao gồm các quỹ có chủ quyền từ các nước Ả Rập."
Đối với Azerbaijan, dự án này là một phần trong chiến lược đa dạng hóa kinh tế của Tổng thống Aliyev. Việc tham gia vào hành lang vận tải không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn củng cố vị thế chiến lược của quốc gia này trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng lưu ý cần có thêm các nghiên cứu chi tiết về phạm vi bao phủ của hệ thống vận tải-hậu cần tại Azerbaijan, phương thức tài trợ, và cách thức tích hợp với các tuyến đường phía tây cũng như các đoạn tuyến qua Iran.
Theo ông Putin, sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo khu vực, đặc biệt là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và lãnh đạo Iran, cùng với tiềm năng lợi nhuận cao, đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Trước đó, ngày 19/8, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định trong 1 tuyên bố chung với Tổng thống Nga Putin rằng dự án đường sắt hành lang Bắc - Nam có ý nghĩa chiến lược đặc biệt trong mối quan hệ song phương trên nhiều phương diện.
"Cả hai đoạn đường sắt và đường bộ của hành lang 'Bắc-Nam' trên lãnh thổ Azerbaijan đã hoàn thành và đang hoạt động hiệu quả," ông Aliyev nhấn mạnh. "Chúng tôi đang nâng cấp hệ thống đường sắt để đạt công suất vận chuyển trên 15 triệu tấn hàng hóa mỗi năm".
Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ tạo nên hành lang vận tải xuyên lục địa, kết nối hệ thống đường sắt Iran với Azerbaijan và mở rộng tới mạng lưới đường sắt châu Âu, góp phần thúc đẩy thương mại khu vực.
Theo Global Construction Review, Azer News