Chiến tranh thương mại leo thang, giá vàng hụt hơi trước đà tăng của USD
Giá vàng giảm nhẹ trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại gia tăng, trong khi đồng USD tiếp tục mạnh lên, làm suy yếu nhu cầu đối với vàng.
Giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 3/2 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nhưng vàng lại không tận dụng được vai trò trú ẩn an toàn do đà tăng mạnh của đồng USD.
Cụ thể, tại Singapore, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống còn 2.794,30 USD/ounce, sau khi đã tăng 1% trong tuần trước. Trong khi đó, chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ – tăng 0,9%, nối tiếp mức tăng 1% của tuần trước. Sự phục hồi của đồng USD khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm suy yếu nhu cầu đối với kim loại quý này.
Các nhà phân tích cảnh báo, tác động từ việc Mỹ áp thuế có thể khiến chi phí đi vay tăng cao, làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Ngày 1/2, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời bổ sung thuế 10% đối với Trung Quốc. Trong đó, các sản phẩm năng lượng từ Canada chịu mức thuế 10%, còn năng lượng nhập khẩu từ Mexico phải gánh thuế 25%.
Giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng 3/2 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. (Nguồn: Internet) |
Đáp trả động thái của Mỹ, Chính phủ Canada ngay lập tức công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa Mỹ, Mexico cam kết có biện pháp đáp trả, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện "các biện pháp đối phó tương ứng". Tổng thống Trump cũng cảnh báo áp thuế lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), và khối này khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.
Các chuyên gia nhận định, nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây xáo trộn thị trường tài chính quốc tế. Dù vàng thường được hưởng lợi trong những giai đoạn bất ổn, nhưng biến động của đồng USD và chính sách lãi suất đang làm suy yếu động lực tăng giá của kim loại quý này.
Dù vậy, tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng vẫn tăng 6% và vừa lập đỉnh mới vào cuối tuần trước, sau khi ghi nhận mức tăng 27% trong năm 2024. Ông Chris Weston, Giám đốc nghiên cứu tại Pepperstone Group Ltd., nhận định giá vàng sẽ tiếp tục chịu tác động từ những diễn biến của chính sách thương mại toàn cầu và sự bất ổn kinh tế.
>> Bảo bối phong thủy rẻ hơn vàng, dân tình đổ xô mua sắm cầu khỏe mạnh cả năm