Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng , Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, thời gian tới, áp lực lạm phát tăng cao là rất lớn do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng, đặc biệt là giá xăng dầu.
Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế để tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến room tín dụng, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng nhà nước nghiên cứu các điều kiện, tiêu chuẩn để áp dụng thống nhất, tránh áp đặt hành chính.
Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đối với việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Với tín dụng bất động sản , Phó Thủ tướng cho rằng, đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Khái cũng lưu ý cần phải kiểm tra lại việc cho vay trong thời gian vừa qua có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định hay không.
"Nếu làm chưa đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng. Nếu làm đúng rồi thì tiếp tục thực hiện, chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực này. Do đó, đối với những dự án, chương trình có hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cung cấp vốn để đảm bảo hoạt động, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế", ông Lê Minh Khái nói.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Lê Minh Khái
Ủy ban Kiểm tra Trung ương điểm tên loạt cán bộ trong vụ Đại Ninh, Lâm Đồng