Đề xuất TP.HCM hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi
Bảo hiểm xã hội thành phố đề xuất hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người từ đủ 60 đến dưới 75 tuổi không thuộc diện hưu trí, sau sáp nhập địa giới hành chính.
Bảo hiểm Xã hội TP. HCM vừa có kiến nghị gửi Thành ủy, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người từ đủ 60 đến dưới 75 tuổi, không thuộc diện hưởng lương hưu hoặc được ngân sách nhà nước bảo trợ. Đây là một trong những giải pháp nhằm mở rộng độ bao phủ BHYT trên địa bàn thành phố sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính.
Theo Bảo hiểm Xã hội TP. HCM, chính sách mới sẽ dựa trên nguyên tắc kế thừa và điều chỉnh từ các mức hỗ trợ cao nhất của ba địa phương trước sáp nhập gồm TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc thống nhất cơ chế này nhằm đảm bảo công bằng, phù hợp với điều kiện dân số và ngân sách hiện nay của TP. HCM.
Bên cạnh nhóm người cao tuổi từ 60 đến dưới 75 tuổi chưa được hưởng chế độ bảo trợ hay hưu trí, cơ quan bảo hiểm cũng đề xuất mở rộng hỗ trợ BHYT cho một số nhóm yếu thế khác trong xã hội. Cụ thể, nhóm người mắc bệnh hiểm nghèo, người đã hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng sau ba tháng vẫn chưa có việc làm, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nhẹ, học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo sẽ được xem xét hỗ trợ toàn phần hoặc một phần phí tham gia BHYT. Riêng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Các chính sách mới này dự kiến sẽ được trình Hội đồng Nhân dân TP. HCM tại kỳ họp cuối năm nay. Nếu được thông qua, sẽ có khoảng 2,85 triệu người dân được thụ hưởng, với tổng kinh phí hỗ trợ hàng năm ước tính khoảng 1.590 tỷ đồng.
Hiện tại, sau khi sáp nhập, TP. HCM vẫn đang áp dụng ba nghị quyết hỗ trợ BHYT khác nhau tùy theo địa bàn cư trú, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong chính sách an sinh. Tại TP. HCM (cũ), chính sách hỗ trợ tập trung vào nhóm người từ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Cần Giờ, người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ mồ côi bị bỏ rơi và trẻ khuyết tật nhẹ từ 6 đến 16 tuổi. Học sinh nghèo tại đây được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ toàn bộ chi phí BHYT cho người từ 65 tuổi trở lên, người nghèo và người mới thoát nghèo. Địa phương này còn hỗ trợ thêm các khoản chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn và đi lại. Học sinh, sinh viên được hỗ trợ 50% mức đóng BHYT.
Còn tại Bình Dương, người từ 70 tuổi trở lên, người dân tộc thiểu số, lao động chưa có việc làm sau khi hết trợ cấp thất nghiệp và người vừa thoát nghèo trong vòng hai năm đều được hỗ trợ 100% chi phí BHYT.
Điểm chung của cả ba địa phương trước sáp nhập là đều có chính sách hỗ trợ 100% chi phí tham gia BHYT và BHXH tự nguyện cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Điều này cho thấy sự quan tâm đáng kể của chính quyền địa phương đối với nhóm người có thu nhập thấp và đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng.
Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, TP. HCM hiện có diện tích hơn 6.700 km² với dân số khoảng 14 triệu người. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 57% lực lượng lao động, trong khi tỷ lệ tham gia BHYT đạt xấp xỉ 95%. Việc thống nhất và mở rộng chính sách hỗ trợ BHYT được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội, giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân và tiến tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân trong những năm tới.
>> BHYT chi 143.000 tỷ đồng trong năm 2024, có bệnh nhân được thanh toán gần 5 tỷ đồng
Bộ trưởng Y tế nói về phản ánh mức đóng BHYT quá cao so với thu nhập người dân
BHYT chi 143.000 tỷ đồng trong năm 2024, có bệnh nhân được thanh toán gần 5 tỷ đồng