Đóng 210 triệu đồng bảo hiểm nhân thọ, nhận chưa tới 40 triệu sau 5 năm: Vì sao?
Đóng đủ 210 triệu đồng phí bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm, một giáo viên chỉ nhận lại chưa tới 40 triệu đồng khi rút tiền trước hạn.
Chị L.T.N., một giáo viên tại TP. HCM cho biết, năm 2019 chị tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức phí định kỳ 42 triệu đồng/năm. Sau 5 năm kiên trì đóng đủ, tổng số tiền chị đã nộp lên tới 210 triệu đồng. Tuy nhiên, khi muốn rút tiền vì cần xoay sở tài chính cá nhân, chị chỉ nhận lại được chưa tới 40 triệu đồng.
Nhiều người thắc mắc tại sao trong trường hợp của chị N., số tiền được hoàn lại thấp như vậy?
Trên thực tế, trường hợp này xảy ra khá thường xuyên. Một số người mua bảo hiểm vẫn nhầm lẫn rằng đóng bảo hiểm nhân thọ cũng giống như gửi tiết kiệm, có thể rút lại đầy đủ tiền gốc kèm lãi khi đầu tư.
Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm tài chính mang tính ràng buộc cao và có cấu trúc chi phí phức tạp. Khi khách hàng rút tiền trước hạn, phần lớn số tiền đã đóng sẽ bị khấu trừ các loại phí cộng với loạt phí phạt, dẫn đến giá trị hoàn lại rất thấp, đặc biệt trong những năm đầu của hợp đồng.
Một chuyên viên tư vấn bảo hiểm chia sẻ: “Trong những năm đầu tiên, phần lớn số tiền khách hàng đóng vào không được tích lũy đầy đủ mà được phân bổ và trừ dần cho nhiều loại phí như phí quản lý hợp đồng, phí bảo hiểm cho sản phẩm chính, sản phẩm bổ sung… Những loại phí này được quy định trong hợp đồng”.
Cụ thể, mức phí 42 triệu đồng mỗi năm của chị N. chỉ có một phần nhỏ được đưa vào tài khoản tích lũy. Phần còn lại được dùng để chi trả các khoản phí kể trên, khiến giá trị hoàn lại nếu rút tiền sớm bị giảm mạnh.
Ngay cả khi trong hợp đồng có ghi mức lãi suất kỳ vọng 5%/năm, con số này chỉ được tính trên một phần nhỏ trong tổng số tiền phí đã đóng. Kết quả, nếu rút tiền trước hạn, khách hàng thường chỉ nhận lại được một phần nhỏ so với tổng phí đã đóng.
![]() |
Mua bảo hiểm nhân thọ 210 triệu đồng, nhưng nhận lại chưa tới 40 triệu đồng sau 5 năm đóng phí. Ảnh minh họa |
Chuyên viên này cũng nhấn mạnh ba thời điểm quan trọng mà khách hàng cần đặc biệt lưu ý khi muốn rút tiền. Mỗi thời điểm sẽ tương ứng với mức khấu trừ và quyền lợi hoàn lại khác nhau.
1. Trong 1–3 năm đầu hợp đồng: Đây là giai đoạn rủi ro nhất về tài chính. Nếu khách hàng rút tiền ở giai đoạn này, mức phạt sẽ từ khoảng 20% đến 90% giá trị hợp đồng. Thậm chí có trường hợp người mua chỉ nhận lại vài triệu đồng dù đã đóng hàng chục triệu đồng.
2. Sau 5, 10 hoặc 20 năm (trước thời điểm đáo hạn tùy theo từng loại hợp đồng và quy định của công ty bảo hiểm): Mức phạt rút tiền trong giai sẽ thấp hơn, dao động trong khoảng 10–20% giá trị hợp đồng.
3. Khi hợp đồng đáo hạn đúng kỳ: Lúc này, khách hàng sẽ nhận lại phần giá trị tài khoản tích lũy sau khi trừ đi phí quản lý hợp đồng và phí rủi ro. Tuy nhiên, số tiền này cũng có thể thấp hơn kỳ vọng nếu hiệu suất đầu tư không đạt như cam kết ban đầu.
Để biết chính xác số tiền có thể rút, người tham gia nên tham khảo bảng minh họa quyền lợi sản phẩm tại mục “giá trị hoàn lại”. Hiểu rõ từng giai đoạn và cơ cấu chi phí là điều cần thiết để người tham gia bảo hiểm tránh cảm giác hụt hẫng khi thấy số tiền hoàn lại không như kỳ vọng.
Ngoài ra, trong trường hợp hợp đồng đã có hiệu lực qua năm đầu tiên (hoặc tùy theo quy định của sản phẩm), khách hàng có thể lựa chọn tạm ứng từ giá trị tài khoản hoặc giá trị hoàn lại thay vì rút toàn bộ.
Khoản tạm ứng này thường được giới hạn ở mức tối đa 80% giá trị tài khoản tại thời điểm yêu cầu và cũng không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định từng công ty. Khách hàng cần có trách nhiệm thanh toán phần lãi phát sinh từ khoản tạm ứng này, như một khoản vay ngắn hạn từ chính hợp đồng bảo hiểm của mình.
Bên cạnh đó, người tham gia cần lưu ý tới khoảng thời gian cân nhắc 21 ngày kể từ khi nhận hợp đồng bảo hiểm. Đây là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn này, người mua được quyền hủy hợp đồng mà không bị phạt bất kỳ khoản phí nào.
Nếu quyết định chấm dứt hợp đồng trong giai đoạn này, khách hàng sẽ nhận lại số tiền đã đóng sau khi trừ đi một số chi phí phát sinh hợp lý (nếu có).
Cuối cùng, để rút tiền trước hạn, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như gửi yêu cầu bằng văn bản, số tiền rút không vượt quá 80% giá trị tài khoản thực trả. Số tiền rút tối thiểu phải đáp ứng mức sàn của công ty bảo hiểm và giá trị tài khoản sau khi rút không được thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.