Vĩ mô

Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 vượt 8%, thu nhập bình quân đạt 5.000 USD

Phúc Lam 10/02/2025 - 17:49

Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Thay vì mục tiêu GDP tăng 6,5-7%, kinh tế năm 2025 được Chính phủ đề xuất điều chỉnh lên trên 8%.

Tại phiên họp, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tăng trưởng GDP cả nước cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Với kịch bản tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ nêu rõ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên; dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Như vậy, quy mô GDP 2025 khoảng 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD.

Bên cạnh đó, theo tính toán của Chính phủ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, tương đương 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 (790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI 28 tỷ USD và đầu tư khác là 14 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) năm nay tăng 12% trở lên.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Dũng cho biết, cần tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp và phân cấp, phân quyền triệt để.

Cùng với đó, hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 – 10%. Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.

Bội chi ngân sách tới cuối 2024 ước khoảng 3,4% GDP. Trường hợp cần thiết, Chính phủ đề nghị cho phép điều chỉnh tỷ lệ này lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).

>>Thông tin quan trọng về tăng trưởng kinh tế năm nay

Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 vượt 8%, thu nhập bình quân đạt 5.000 USD

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp chiều 10/2. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay sẽ góp phần tạo nền tảng tăng trưởng hai chữ số từ 2026, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần đánh giá các điều kiện để đảm bảo tính khả thi của việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt 8% năm nay, nhất là giải pháp bảo đảm an ninh tài chính, an toàn công nợ.

Về chỉ tiêu CPI bình quân đạt 4,5-5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu này là cần thiết để tạo không gian điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp chi phí doanh nghiệp, nên Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp mục tiêu tăng trưởng, ổn định vĩ mô.

Về vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là việc cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ông Lê Quang Tùng, Tổng thư ký Quốc hội có góp ý về thời gian để thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu GDP năm nay trên 8% không còn nhiều. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp tức thì, có tính tác động ngay.

Bên cạnh giải pháp tạo động lực tăng trưởng cho các địa phương, Chính phủ cũng cần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực.

Ngoài ra, bên cạnh tăng trưởng cao về GDP, cần thực hiện đồng bộ giải pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch, thương mại.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương có đề xuất về việc rà soát điểm nghẽn pháp luật, trong đó có nhiều vấn đề ách tắc nếu không sửa Luật Lâm nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những vướng mắc liên quan đến đất lâm trường, hay chuyện kinh tế dưới tán rừng, tín chỉ carbon rừng…

Cùng với nhiều luật được đề nghị sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh trong năm 2025 cần sửa ngay Luật Lâm nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trên.

>>Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025

Sắp xếp, lựa chọn nhân sự các cơ quan Quốc hội ngay sau kỳ họp bất thường

GDP từng xếp thứ 88/188, GDP bình quân xếp thứ 187/188: Sau 34 năm, Việt Nam tăng trưởng ra sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-de-xuat-dieu-chinh-muc-tieu-gdp-2025-vuot-8-thu-nhap-binh-quan-dat-5000-usd-275615.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 vượt 8%, thu nhập bình quân đạt 5.000 USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH