Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực với mức tăng trưởng GDP ước đạt 7,09%.
Seasia Stats - website cung cấp dữ liệu kinh tế và xã hội ở Đông Nam Á đã công bố danh sách “15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025” dựa trên số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 506 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 12/15 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025.
Dẫn đầu danh sách này là Trung Quốc với quy mô nền kinh tế dự kiến sẽ đạt 19.500 tỷ USD; đứng thứ 2 là Nhật Bản với nền kinh tế 4.400 tỷ USD; thứ 3 là Ấn Độ với nền kinh tế 4.300 tỷ USD.
Ở những vị trí tiếp theo là Hàn Quốc (1.900 tỷ USD); Indonesia (1.500 tỷ USD); Ả Rập Xê Út (1.100 tỷ USD); Đài Loan (814 tỷ USD); UAE (569 tỷ USD); Singapore (562 tỷ USD); Thái Lan (545 tỷ USD); Philippines (508 tỷ USD); Việt Nam (506 tỷ USD); Malaysia (488 tỷ USD); Bangladesh (482 tỷ USD) và cuối cùng là Iran (464 tỷ USD).
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực với mức tăng trưởng GDP ước đạt 7,09%. Theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2024.
Theo Seasia Stats, nền kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng phát triển và mở rộng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư từ nước ngoài.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.
Việt Nam lọt top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á năm 2025 - Ảnh: Trang Thông tin điện tử Sở Xây Dựng tỉnh Đắk Lắk |
Ngoài ra, tại Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành diễn ra vào sáng 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam nằm trong top 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với gần 40 tỷ USD đăng ký và vốn thực hiện đạt gần 25 tỷ USD.
Chia sẻ trên báo Xây Dựng, Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó Chủ nhiệm bộ môn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, FDI và sản xuất xuất khẩu được kỳ vọng sẽ là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025.
Tiến sĩ Santiago Velasquez nhấn mạnh về sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Apple, và Lego. Những tên tuổi mới nổi như Nvidia dự đoán cũng sẽ gia nhập, củng cố thêm vị thế của Việt Nam.
Ngoài ra, Tiến sĩ Santiago Velasquez cho biết, chiến lược “Trung Quốc + 1” tiếp tục giúp Việt Nam nâng cao sức hấp dẫn với các nhà đầu tư với tư cách là một trung tâm sản xuất.
Tiến sĩ Santiago Velasquez chỉ ra lợi thế của Việt Nam khi sở hữu vị trí chiến lược và thị trường lao động cạnh tranh với mức lương chỉ bằng một nửa so với các khu vực ven biển Trung Quốc. Ngoài ra, sản xuất xuất khẩu cũng được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Santiago Velasquez cũng cảnh báo: “Khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại mới dưới thời của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai có thể dẫn đến mức thuế cao hơn đối với hàng tái xuất, ảnh hướng tới tăng trưởng GDP vào năm 2025”.
Tiến sĩ Santiago Velasquez nhấn mạnh, GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng quỹ đạo phát triển sẽ phụ thuộc vào khả năng giải quyết các nút thắt trong nước và ứng phó với những rủi ro thương mại quốc tế.
Kinh tế ASEAN 2025: Việt Nam sẽ tiếp tục 'bứt tốc' vươn lên dẫn đầu khu vực
Việt Nam cần bao nhiêu năm để có một môi trường kinh doanh như Singapore?