GDP từng xếp thứ 88/188, GDP bình quân xếp thứ 187/188: Sau 34 năm, Việt Nam tăng trưởng ra sao?
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP Việt Nam năm 1990 đạt khoảng 8,2 tỷ USD, đứng ở vị trí 88/188 trên thế giới; GDP bình quân Việt Nam đạt khoảng 122 USD, xếp thứ 187/188.
Theo IMF, năm 2024, GDP Việt Nam đạt khoảng 469 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới và GDP bình quân đạt khoảng 4.649 USD, xếp thứ 120 trên thế giới.
Như vậy, từ năm 1990 đến năm 2024, GDP Việt Nam đã tăng gấp 57 lần, nhảy vọt 55 bậc và GDP bình quân tăng gấp 38 lần, nhảy vọt 67 bậc trên thế giới.
Sáng 7/2, tại phiên họp toàn thể lần thứ 21, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước đệm để nền kinh tế vươn tới tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên đã được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Tại đây, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 6,5-7%), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5% (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 4,5%).
Ảnh minh họa - Nguồn: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch |
Cùng với đó, kịch bản tăng trưởng cũng được đổi mới. Trong đó, tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên).
Theo kịch bản mới, quy mô GDP năm 2025 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ cho biết, đầu tiên là tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp, phân cấp, phân quyền triệt để.
Cùng với đó, hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 – 10%. Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng mới, cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; phục hồi nhanh tiêu dùng, du lịch, dịch vụ trong nước; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao;...
World Bank: Việt Nam thuộc top tăng trưởng GDP cao nhất thế giới năm 2025
Kinh tế tăng tốc: GDP Việt Nam được dự báo sẽ vượt Singapore chỉ trong 4 năm nữa