Chính phủ vừa ban hành nghị quyết thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Nghị quyết 45/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 15/8/2025, tức kéo dài thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại.
Ngân hàng Nhà nước lý giải về đề xuất trên do trong gần 5 năm áp dụng Nghị quyết số 42, công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 368.900 tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).
Ngoài ra, số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021 đạt trung bình khoảng 6.920 tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.940 tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012 - 2017).
Nghi ngờ bị lấy cắp thông tin CCCD để vay tiền, người dân kiểm tra ngay bằng 2 cách đơn giản sau
Sacombank (STB) rao bán lô đất 1.800m2 tại quận 5, là nợ xấu dưới thời ông Trầm Bê