Vĩ mô

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ bật tăng mạnh nửa đầu 2025

Nguyên Mộc 05/07/2025 18:04

Tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nửa đầu năm 2025 tăng 9,3% so với cùng kỳ, đạt hơn 3,4 triệu tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường du lịch, lưu trú – ăn uống cũng khởi sắc nhờ hiệu ứng mùa lễ hội, nghỉ hè và sự trở lại của khách quốc tế.

Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng đạt 7,2%, cao hơn mức tăng 6,0% của cùng kỳ năm 2024.

Riêng trong tháng 6/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, dù giảm nhẹ 0,2% so với tháng 5. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn duy trì mức tăng ổn định, trong đó: lương thực – thực phẩm tăng 9,7%, vật phẩm văn hóa – giáo dục tăng 8,1%, hàng may mặc tăng 6,0%, và đồ dùng – thiết bị gia đình tăng 4,7%.

Bán lẻ hàng hóa tiếp tục là động lực chính, với doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 2.613,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng mức và tăng 7,9% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có mức tăng cao gồm: vật phẩm văn hóa – giáo dục tăng 11,5%, lương thực – thực phẩm tăng 9,5%, hàng may mặc tăng 6,1%, và đồ dùng – thiết bị gia đình tăng 5,5%.

Nhiều địa phương ghi nhận mức tăng trưởng bán lẻ hàng hóa tích cực: Quảng Ninh dẫn đầu với mức tăng 10,0%, tiếp theo là Hải Phòng và Đà Nẵng cùng tăng 8,2%. TP.HCM tăng 7,9%, Cần Thơ tăng 7,6%, và Hà Nội đạt mức tăng 7,3%.

Cùng với bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cũng đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống sáu tháng đầu năm đạt 409,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%. Các địa phương trọng điểm về du lịch có mức tăng cao như Đà Nẵng (18,5%), TP.HCM (16,9%), Hà Nội (13,0%) và Hải Phòng (12,5%).

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ bật tăng mạnh nửa đầu 2025
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Thống kê.

Trong khi đó, doanh thu từ du lịch lữ hành ước đạt 46,0 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 23,2%. Kết quả này có được nhờ hàng loạt chương trình kích cầu du lịch, cùng sự phát triển của các sản phẩm và loại hình du lịch mới. TP.HCM dẫn đầu về tăng trưởng với mức tăng 28,2%, Lào Cai đạt 27,9%, Hà Nội 22,8%, Đồng Tháp 19,4%, và Bình Dương 17,1%.

Doanh thu từ các loại hình dịch vụ khác như chăm sóc cá nhân, giải trí, tổ chức sự kiện… đạt 348,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Một số địa phương có mức tăng cao gồm Quảng Bình (19,1%), Cần Thơ (17,7%), Lào Cai (14,0%) và Khánh Hòa (11,1%).

Tính riêng quý II/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.713,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với quý I và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ bật tăng mạnh nửa đầu 2025
(Ảnh minh họa) Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng mạnh nửa đầu 2025

Với đà tăng hiện tại và bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa có dấu hiệu chững lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa – dịch vụ tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng trong các quý tiếp theo của năm 2025.

Thành phố giàu nhất Việt Nam đặt mục tiêu dịch vụ tăng trưởng 8,6% mỗi năm, cao nhất kể từ dịch COVID-19

Gần 50.000 khách du lịch tàu biển ghé thăm địa phương được mệnh danh là 'Việt Nam thu nhỏ'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-thu-ban-le-va-dich-vu-bat-tang-manh-nua-dau-2025-295388.html
Bài liên quan
  • 'Cần chính sách thuế đủ hấp dẫn để thay đổi hành vi tiêu dùng'
    Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid là cần thiết để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn dòng xe này, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
  • ‘Tăng trưởng chung cả nước là 8% thì thương mại, bán lẻ phải tăng ít nhất 12%’
    Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng nếu đặt mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước là 8% thì thương mại bán lẻ cần tăng trưởng ít nhất 12% mới có thể đóng góp hiệu quả vào mục tiêu chung. Tuy nhiên, để thương mại, dịch vụ và bán lẻ tăng trưởng, trước hết cần tác động đến niềm tin của người tiêu dùng, bao gồm cá nhân và doanh nghiệp.
  • Hé lộ yếu tố giúp doanh thu bán lẻ của thành phố giàu nhất Việt Nam tăng 15,9% trong 2 tháng đầu năm
    Theo Cục Thống kê TP.HCM, sau Tết Nguyên đán, tình hình giá cả ổn định, các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng kinh doanh đã hoạt động trở lại. Vì vậy, giá lương thực, thực phẩm không có hiện tượng tăng đột biến.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh thu bán lẻ và dịch vụ bật tăng mạnh nửa đầu 2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH