Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã hoàn tất việc sắp xếp và cấu trúc hai Sở HOSE và HNX thành các công ty con.
Ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức được ra mắt. Quyết định 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, thành lập VNX theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).
Được biết, sau khi Quyết định 37 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/2/2021, VNX đã bắt tay vào công tác chuẩn bị về bộ máy, quy chế, quy trình hoạt động. Đến ngày 25/3/2021, VNX đã có những nhân sự quản lý đầu tiên và sang tháng 4, Sở đã hoàn thiện điều lệ hoạt động của mình.
Tới tháng 6, VNX đã ban hành điều lệ của 2 Sở con đồng thời kiện toàn, thay đổi chức danh lãnh đạo của các Sở con. Cùng với đó, hai Sở thành viên đã đăng ký lại hoạt động kinh doanh và tới 6/8/2021, HOSE và HNX đã chính thức đã trở thành công ty con của VNX. Ngay sau đó, đến tháng 11 vừa qua, VNX đã hoàn thành tiếp nhận quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, VNX đã hoàn tất việc sắp xếp và cấu trúc hai Sở con trở thành các công ty con.
Chủ tịch VNX, Nguyễn Thành Long cho hay, VNX sẽ hoạt động dựa trên 4 trụ cột: Cầu bền vững; Cung chất lượng; Định chế trung gian chuyên nghiệp và Thể chế theo quy luật thị trường và hội nhập quốc tế.
Theo đó, định hướng hoạt động của VNX và các công ty con sẽ có nhiều điểm mới, mang tính đột phá hơn, trong đó điểm nhấn là "trọng cung và trọng cầu", sẽ mang tính thị trường nhiều hơn, bên cạnh các giải pháp khác để hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan quản lý đề ra.
Về kế hoạch trung hạn, ông Long cho hay, VNX đã chỉ đạo HOSE và HNX xây kế hoạch 3 năm, kế hoạch trung hạn và chiến lược phát triển dài hạn hơn trong tương lai, tiệm cận gần hơn theo các chiến lược phát triển của các Tập đoàn Sở trên quốc tế.
Về sản phẩm, VNX sẽ xây dựng chiến lược phát triển dài hạn theo hướng chuyên nghiệp hóa theo sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, startup,…) nhằm phân loại sản phẩm, dịch vụ theo từng khu vực thị trường và đối tượng phục vụ nhà đầu tư chuyên biệt. Việc chuyên nghiệp hóa về sản phẩm sẽ được xây dựng dựa trên triết lý "lấy khách hàng là trung tâm".
Cụ thể, đối với các sản phẩm cung cấp cho công chúng đầu tư thì sẽ nội hàm công tác quản lý sẽ tập trung vào các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết; còn đối với những sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thì nội hàm quản lý sẽ trực tiếp tập trung vào nhà đầu tư.
Theo ông Long, VNX coi nhà đầu tư và tổ chức niêm yết là trung tâm của mọi hoạt động quản lý, vận hành, giám sát, để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho nhà đầu tư.
VNX kỳ vọng, sự phát triển của Sở trong tương lai sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa, trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế đất nước.
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) lãi hơn 1.700 tỷ sau 9 tháng
Động thái của Vinhomes về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử