Chỗ đứng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Apple
Đa phần các nhà máy cung ứng cho Apple đều được đặt tại châu Á.
Theo danh sách đối tác chuỗi cung ứng Supplier List của Apple, số đối tác Apple đặt nhà máy hoặc văn phòng tại Việt Nam đã lên tới 35, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ tư trên thế giới. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Apple.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng mạnh nhất về đối tác sản xuất cho Apple với những nhà máy lớn như Foxconn, Luxshare hay doanh nghiệp cung ứng linh kiện như Samsung, Intel, LG.
Đa phần các nhà máy cung ứng cho Apple đều được đặt tại châu Á. Trong đó, Trung Quốc Đại lục duy trì lượng nhà máy cung ứng dẫn đầu toàn khu vực. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất cung ứng cho Apple tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có Thái Lan (24), Singapore (23), Malaysia (19), Philippines (17) và Campuchia (1).
Tại Việt Nam, địa phương đang dẫn đầu về số lượng cơ sở sản xuất cho Apple với 9 cơ sở là Bắc Ninh. Xếp ở vị trí tiếp sau là Bắc Giang với 5 cơ sở và Vĩnh Phúc với 4 cơ sở.
Ngoài những cái tên quen thuộc trên, nhà cung ứng Apple đã mở rộng địa điểm sản xuất tới các địa phương khác như Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bình Dương... trong những năm qua.
Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters |
Tháng 6/2023, Compal Electronics, đơn vị sản xuất iPad và Apple Watch đã thuê đất ở Việt Nam để xây dựng nhà máy mới mở rộng công suất. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình cho biết, Compal Electronics Việt Nam đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đăng ký đầu tư 260 triệu USD. Khi đi vào hoạt động doanh thu ước tính đạt khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2029 và 6,8 tỷ USD vào năm 2037.
Trước đó, tháng 5/2023, Apple cũng đã khai trương cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam. Việt Nam hiện có các nhà máy lớn chuyên lắp ráp thiết bị Apple như AirPods, iPad và Apple Watch.
Giới phân tích ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods.
Chia sẻ trên Mekong ASEAN, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, trong thời gian quan, nhiều lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh như Nvidia, Lam Research, GlobalFoundries, Coherent… Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử trong ngành bán dẫn như Amkor, Intel… cũng đang có mặt tại Việt Nam.
Điều này cho thấy Việt Nam đang được các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu xem xét, lựa chọn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
>>Tăng trưởng 2025: Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ dịch chuyển đầu tư toàn cầu