Sống

Cho gà uống trà hoa vàng, ăn dược liệu thu lãi cả trăm triệu

Phạm Công 24/09/2023 - 06:46

Với mô hình chăn nuôi gà theo hướng chăn thả tự nhiên và sử dụng thức ăn có pha trộn dược liệu sẵn có ở địa phương, anh Cường thu lãi cả trăm triệu mỗi năm.

Huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh là địa phương có nhiều loài dược liệu quý như ba kích tím, trà hoa vàng, sâm cau, đẳng sâm, cát sâm... nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Phát huy lợi thế từ các loại dược liệu đó, anh Nguyễn Văn Cường (khu phố 3A, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ) quyết định đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gà theo hướng chăn thả tự nhiên và sử dụng thức ăn có pha trộn dược liệu sẵn có ở địa phương để xây dựng thương hiệu gà đồi dược liệu.

Tháng 11/2021, huyện Ba Chẽ triển khai thí điểm mô hình “chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học dưới tán rừng trồng”, anh Cường là người tiên phong tham gia thực hiện.

Khi bắt tay làm, anh Cường được huyện hỗ trợ 300 con gà giống, thức ăn, thuốc phòng và trị bệnh ban đầu cho đàn gà. Ngoài ra, anh cũng mạnh dạn vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Anh Cường đang nuôi gà, mỗi lứa từ 1.500 đến 2.000 con.

Anh đầu tư làm chuồng trại, mua máy thái dược liệu, máy thái thức ăn, máy ép cám viên và 600 con gà giống địa phương về chăn thả trên diện tích rừng đồi khoảng 4ha của gia đình.

Khoảng đồi này gia đình anh trồng trà hoa vàng được 6 năm. Anh còn trồng xen các loại cây dược liệu như tía tô, sả, kim ngân, sâm cau, đinh lăng để trộn lẫn vào thức ăn cho gà.

Theo anh Cường, đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả, chất lượng đàn gà rất tốt. Bởi, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, tỷ lệ gia cầm nuôi kháng thuốc rất cao.

Việc nuôi theo phương pháp mới giúp giảm được chi phí sử dụng thuốc kháng sinh thú y, giảm tỷ lệ gà chết, chi phí thức ăn, mở ra hướng đi mới trong tiếp cận thị trường đối với sản phẩm gà sạch.

Để đàn gà phát triển tốt, ngoài sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc của cán bộ trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, anh Cường còn tìm hiểu qua sách báo, trên Internet và đến nhiều nơi cũng nuôi gà bằng dược liệu để tham khảo, học hỏi cách làm.

Gà thả đồi nhà anh Cường được uống nước nấu từ lá trà hoa vàng.

Ngoài việc chăn thả tự nhiên để gà ăn các loại cây dược liệu có sẵn, anh Cường còn nấu lá trà hoa vàng cho gà uống, trộn một số cây dược liệu khác vào thức ăn cho gà.

Định kỳ mỗi tháng một lần, anh xông lá dược liệu vào chuồng để phòng chống bệnh về hô hấp và tăng cường sức đề kháng cho đàn gà.

“Khâu khó nhất là phối trộn dược liệu trong thức ăn với tỷ lệ phù hợp để gà phát triển đều, không bệnh tật, tỷ lệ hao hụt ít, gà mau lớn và đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon hơn gà nuôi thường", anh Cường nói.

Khó khăn khác với việc nuôi gà dược liệu là khâu vệ sinh phòng bệnh. Để đàn gà phát triển tốt, nền chuồng và vườn thả phải luôn khô ráo, máng ăn uống sạch sẽ.

Anh Cường còn kết hợp một số bài thuốc nam dân gian sẵn có tại địa phương như kim ngân, kinh giới, cam thảo, gừng, giềng để phòng và điều trị bệnh ho khạt, viêm họng, hen khẹt cho gà.

Gà được chăn thả ngoài tự nhiên kết hợp với thức ăn có phối trộn dược liệu.

Nhờ tìm tòi học hỏi và tuân thủ nghiêm ngặt các khâu, bước đầu anh Cường triển khai mô hình nuôi gà rất thuận lợi. Gà ăn thức ăn trộn lẫn dược liệu khỏe mạnh hơn, ít bệnh tật.

Sau 7 tháng chăn thả tự nhiên kết hợp với thức ăn có phối trộn dược liệu, đàn gà của gia đình anh Cường đạt trọng lượng từ 1,8-3,2 kg/con, chất lượng thịt thơm, ngọt, da vàng, đẹp. Trừ chi phí, lứa gà đầu tiên mang về hơn 100 triệu tiền lãi cho gia đình anh Cường.

Từ thành công này, gia đình anh Cường mở rộng quy mô chăn thả trên diện tích vườn đồi lên 7ha. Hiện anh nuôi theo kiểu gối đàn, mỗi năm từ 4 đến 5 lứa, mỗi lứa từ 1.500 đến 2.000 con gà. Thời gian nuôi khoảng 4-6 tháng là có thể xuất chuồng.

Với giá gần 200.000 đồng/kg gà hơi, mỗi năm anh Cường thu lãi trên 150 triệu đồng.

Bên cạnh phát triển quy mô đàn gà, gia đình anh Cường còn thực hiện khâu sơ chế, quy trình giết mổ, đóng gói theo quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gà dược liệu Ba Chẽ được sơ chế, đóng gói đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ, bà Phạm Thị Chính cho biết, qua theo dõi, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện một số mô hình thí điểm chăn nuôi gà kết hợp bổ sung dược liệu cho thấy các mô hình phát triển rất thuận lợi.

Sản phẩm gà đồi dược liệu Ba Chẽ được coi là một loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó, mô hình gia đình anh Cường đăng ký thực hiện có kết quả rất khả quan.

Nuôi gà theo cách cho ăn dược liệu, chuồng trại cũng giảm hẳn mùi hôi, gà hầu như không bị bệnh, sức đề kháng tốt hơn. Đàn gà nuôi không phải dùng đến thuốc kháng sinh thú y, tiết kiệm về chi phí đầu tư mà chất lượng thịt ngọt, thơm và dai.

"Từ thành công của mô hình này, chúng tôi sẽ nhân rộng, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi, chăn thả gà đồi dược liệu theo đúng quy trình, quy định. Đơn vị đang tích cực phối hợp Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp hoàn tất hồ sơ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu gà đồi dược liệu Ba Chẽ với Cục Sở hữu Trí tuệ”, bà Chính thông tin.

Phạm Công

Lãi lớn, một doanh nghiệp nhiệt điện chi 450 tỷ đồng tạm ứng cổ tức năm 2024

Tuyến đường tại huyện miền núi phía Bắc 'sức yếu’ sau hơn 25 năm khai thác sắp được ‘lên đời’

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cho-ga-uong-tra-hoa-vang-an-duoc-lieu-thu-lai-ca-tram-trieu-2192928.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cho gà uống trà hoa vàng, ăn dược liệu thu lãi cả trăm triệu
    POWERED BY ONECMS & INTECH