Xã hội

Cho học sinh nghỉ thứ 7 liệu có tăng áp lực học thêm?

Hoàng Thanh 02/10/2024 07:57

Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều người cũng lo ngại khi cho học sinh nghỉ thứ 7, các em sẽ phải học thêm để đáp ứng, đảm bảo kiến thức.

Sau Lào Cai, Lai Châu chính thức áp dụng lịch học từ thứ 2 đến thứ 6, cho học sinh nghỉ thứ 7 và Chủ nhật.

Tại Hà Nội, việc nghỉ học thứ 7 được áp dụng với phần lớn các trường tư thục và trường THCS chất lượng cao. Ở khối công lập, chỉ có một số ít trường cho học sinh nghỉ thứ 7 do định hướng của nhà trường cũng như điều kiện về phòng học chưa đáp ứng.

Hiện nay, tại các thành phố, đa số phụ huynh là công chức, viên chức nghỉ thứ 7, Chủ nhật nên mong muốn con cũng được nghỉ để gia đình có thời gian thư giãn hoặc đi chơi, du lịch trải nghiệm hay về quê thăm ông bà, người thân nhằm tái tạo năng lượng.

Chị Nguyễn Thanh Trúc (Hà Nội) có con học tại THCS Cầu Giấy, cho biết, chị rất ủng hộ khi trường con cho học sinh nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần.

“THCS Cầu Giấy có tỷ lệ chọi thi đầu vào cao. Thế nhưng, vì biết nhà trường cho nghỉ thứ 7 nên ngay từ đầu con tôi đã quyết tâm thi đỗ. Hiện con học tại đây, vào 2 ngày cuối tuần, cháu có thể đi học vẽ theo sở thích, gia đình muốn đi chơi hay về quê cũng thoải mái, không bị gò bó theo lịch học của con”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, việc cho học sinh nghỉ thứ 7 đã được trường thực hiện 15 năm nay.

“Tôi cho rằng các con học 5 ngày/tuần và 2 buổi/ngày, sau đó nghỉ thứ 7 mang lại nhiều lợi ích. Học sinh sẽ có thêm thời gian để tái tạo năng lượng hay học các môn mình yêu thích. Phụ huynh cũng có thêm một ngày cuối tuần quây quần bên con cái, thăm nom họ hàng, đi chơi mà không phải lo chuyện phải đón đưa con đi học. Đa số phụ huynh rất đồng tình và mong muốn con được nghỉ thứ 7", bà Kim Anh nói.

Theo bà, việc cho học sinh nghỉ thứ 7 có thể áp dụng với những trường đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất và không ảnh hưởng đến thời lượng chương trình vì yếu tố này vẫn đảm bảo đúng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

phan chu trinh.jpg
Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) cho hay, hiện nhà trường cho học sinh nghỉ thứ 7 và được phụ huynh, học sinh ủng hộ.

Theo bà Hà, việc học từ thứ 2 đến thứ 6 đảm bảo chương trình, cho các em nghỉ thứ 7 để học sinh có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động cộng đồng cũng như cải thiện sức khỏe tinh thần. Áp dụng lịch nghỉ này, giáo viên cũng được thư giãn sau những ngày làm công tác chuyên môn vất vả, có thêm thời gian chăm lo cho gia đình.

Hiện Trường THCS Phan Chu Trinh ngày thường học 2 buổi (sáng 4 tiết, chiều 3-4 tiết), nội dung vẫn đảm bảo nên không quá áp lực.

Trước một số ý kiến cho rằng, việc nghỉ học thứ 7 có thể gây sức ép khiến học sinh phải ra ngoài học thêm, theo bà Hà, điều này không chính xác vì trong chương trình học chính khóa, nhà trường và giáo viên phải đảm bảo theo đúng chương trình năm học và mục tiêu cần đạt.

Dù vậy, theo bà, việc áp dụng rộng rãi cho học sinh nghỉ thứ 7 tại Hà Nội sẽ phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất.

"Tôi cho rằng điều kiện tiên quyết để cho học sinh nghỉ thứ 7 là cơ sở vật chất, phòng học phải đáp ứng. Với một số trường thiếu phòng học, học sinh học luân phiên cho học sinh nghỉ thứ 7 sẽ khó”, bà bày tỏ.

Tại Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), ông Nguyễn Cao Cường - hiệu trưởng nhà trường cho biết, rất ủng hộ việc cho học sinh nghỉ thứ 7 và hiện trường cũng bắt đầu áp dụng việc này khi đã đáp ứng được phòng học, trang thiết bị...

Bà Trần Thị Minh Hải - phó hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), cho biết, nhà trường vẫn cho học sinh học thứ 7.

“Tâm lý chung cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều muốn nghỉ thứ 7. Tuy nhiên, với 'đặc trưng' thiếu phòng học, rất nhiều quận nội thành Hà Nội khó thực hiện điều này”, bà Hải cho hay.

Bà phân tích, muốn cho học sinh nghỉ thứ 7, ngoài việc đáp ứng cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT hoặc Bộ GD-ĐT cần ban hành lại khung chương trình cũng như số tiết quy định/khối lớp.

Ví dụ, hiện tại, chương trình giáo dục phổ thông mới quy định tổng số tiết không quá 7 tiết/ngày đối với học sinh học 2 buổi/ngày và không quá 5 tiết với học sinh học 1 buổi/ngày. Như vậy các trường THCS nội thành Hà nội rất khó thực hiện vì thiếu lớp học. Còn ở ngoại thành, các trường có đủ lớp học có thể bố trí cho học sinh nghỉ thứ 7.

>> Thực hư việc học sinh bị cô lập sau khi 'tố' giáo viên chủ nhiệm ép học thêm

Thực hư việc học sinh bị cô lập sau khi 'tố' giáo viên chủ nhiệm ép học thêm

Tạm đình chỉ nữ giáo viên bị phụ huynh tố xúc phạm, ép học sinh học thêm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cho-hoc-sinh-nghi-thu-7-lieu-co-tang-ap-luc-hoc-them-2327348.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cho học sinh nghỉ thứ 7 liệu có tăng áp lực học thêm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH