Happy One Central vừa được vinh danh là “Dự án căn hộ tốt nhất Bình Dương” nhưng chủ đầu tư lại trong tình cảnh lỗ hụt vốn, âm nặng dòng tiền và nợ cao cấp 3 lần vốn chủ sở hữu.
Ngày 26/11/2021 vừa qua, tại lễ trao giải PropertyGuru Vietnam Property Awards 2021, Khu phức hợp căn hộ thông minh trung tâm Thành phố Thủ Dầu Một Happy One Central do Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Vạn Xuân (Vạn Xuân Group) làm chủ đầu tư được vinh danh ở hạng mục “Dự án căn hộ tốt nhất Bình Dương - Best Condo Development (Binh Duong)”.
Dự án Happy One Central được tung ra thị trường vào thời điểm cuổi năm 2020. Dự án có quy mô gần 10.200m2. 2 toà tháp cao 40 tầng có 1.291 căn hộ cao cấp. Ngoài ra, dự án còn cung cấp 13 shophouse thương mại.
Trên trang chủ, Vạn Xuân Group giới thiệu đã triển khai 22 dự án với hơn 5.000 sản phẩm, có đội ngũ hơn 200 nhân sự. Tuy nhiên, dòng tiền mà Tập đoàn Vạn Xuân thu được có vẻ không tương xứng với 22 dự án đã được triển khai.
Doanh thu bèo bọt, lợi nhuận dưới 1 tỷ đồng mỗi năm
Dù là công ty bất động sản, cung cấp ra thị trường hàng ngàn căn hộ nhưng trong vài năm gần đây, doanh thu hàng năm của Vạn Xuân chưa đạt tới 50 tỷ đồng, chủ yếu dao động dưới 20 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận thường xuyên dưới 1 tỷ đồng. Thậm chí, trước đây, do thua lỗ nên hiện tại, Vạn Xuân vẫn gánh lỗ luỹ kế, dẫn đến hụt vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Vạn Xuân Group đã bàn giao rất nhiều dự án nhà phố và biệt thự. Năm 2016, Tập đoàn bàn giao dự án Vạn Xuân An Lộc gồm 33 căn nhà phố và biệt thự. Năm 2017, dự án Vạn Xuân Đất Việt gồm 65 căn nhà phố và biệt thự đã đến tay khách hàng.
Năm 2018, VX Villa TX38 gồm 20 căn biệt thự, Khu dân cư Vạn Xuân – Villa TX39 (9 căn) đã được bàn giao. Năm 2019, VX Villa Riverview gồm 19 căn đã đến tay khách hàng. Trong khi đó, Khu nhà phố Vạn Xuân Land Dream Home 1 gồm 42 căn nhà phố và biệt thự và Khu nhà phố Vạn Xuân Land Dream Home 2 gồm 21 căn cũng được công bố đã đến tay khách hàng.
Mỗi căn biệt thự có giá bạc tỷ. Ví dụ, giá VX Villa TX38 dao động từ 4,2 tỷ đồng đến 5,8 tỷ đồng. Riêng dự án này có thể mang về cho Vạn Xuân từ 84 tỷ đồng tới 116 tỷ đồng. Vì vậy, mức doanh thu hàng năm dưới 20 tỷ đồng của Tập đoàn là khá khiêm tốn.
Trong giai đoạn 201-2020, doanh thu của Vạn Xuân chỉ đạt 11,8 tỷ đồng, 36,2 tỷ đồng, 45,3 tỷ đồng, 13,9 tỷ đồng và 11,2 tỷ đồng. Doanh thu thấp nên lợi nhuận của Vạn Xuân trong giai đoạn này không thể đạt 1 tỷ đồng, lần lượt chỉ là 460 triệu đồng, 740 triệu đồng, 801 triệu đồng và 674 triệu đồng.
Tuy nhiên, do trước đó thua lỗ nên tại thời điểm 31/12/2020, Vạn Xuân vẫn còn gánh khoản lỗ luỹ kế 3,5 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 346 tỷ đồng dù vốn góp chủ sở hữu là 350 tỷ đồng.
Nợ nần chồng chất, âm nặng dòng tiền
Có thể thấy, trong giai đoạn 2016-2018, Vạn Xuân đạt đỉnh doanh thu trong năm 2018 (45,3 tỷ đồng). Nhưng tới năm 2020, chỉ tiêu này lao dốc, giảm 34,1 tỷ đồng, tương đương 75,3% so với “đỉnh”.
Doanh thu và lợi nhuận lao dốc so với năm 2018 nhưng nợ nần tại Vạn Xuân lại tăng đột biến. Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng nợ phải trả tại Tập đoàn vọt lên 756 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 219 tỷ đồng của năm 2019 và tăng 670 tỷ đồng, tương đương 780% so với năm 2018.
Trong tổng nợ phải trả, Vạn Xuân ghi nhận hơn 126 tỷ đồng là nợ vay tài chính, những khoản phải trả lãi suất. Thế nhưng, ngạc nhiên ở chỗ, chi phí lãi vay trong cả năm 2019 và 2020 của Vạn Xuân đều là 0 đồng.
Doanh thu, lợi nhuận bèo bọt và nợ nần chồng chất nên Vạn Xuân Group liên tục âm nặng dòng tiền.
Tại thời điểm cuối năm 2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Tập đoàn âm tới 337 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 149 tỷ đồng của năm 2019.