Mỗi ngày các chủ hàng, kho lạnh nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của nông dân trồng thanh long nhưng không thu mua.
Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam, các chủ hàng, kho lạnh không mua thanh long khiến hàng trăm tấn thanh lonng chưa có đầu ra, nông dân như "ngồi trên đống lửa".
Anh Nguyễn Văn Mười (Tiền Giang) cho biết, còn vài ngày nữa là thu hoạch vườn thanh long hơn 1,5 ha nhưng giá hiện giảm xuống còn khoảng 2.000 đồng/kg, khan hiếm người mua vì hầu hết các kho lạnh đã đóng cửa.
"Từ đây lên huyện Châu Thành của Long An có cả trăm nhà kho nhưng đóng cửa hết rồi, không có ai mua để xuất khẩu nữa", anh Mười nói.
Tỉnh Tiền Giang là một trong ba địa phương có vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước. Từ nay đến Tết Nguyên đán, hàng trăm tấn thanh long của nông dân cần tiêu thụ, nhưng với giá chạm đáy như hiện nay, người trồng đang lỗ nặng.
Một chủ vựa thu mua thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An nói: "Người dân gọi quá trời mà chúng tôi đâu dám mua nhiều".
Theo ông, giá thanh long xuống thấp kỷ lục nên mấy ngày qua nhiều nhà vườn gọi điện "cháy máy" mà người thu mua không dám mua do cửa khẩu biên giới hạn chế mỗi ngày vài chục xe được thông quan. Nếu thu mua nhiều không xuất khẩu được thì sẽ thiệt hại nặng.
Một thương lái khác ở cho biết: "Hiện nay, tôi cũng như nhiều chủ vựa thu mua thanh long trên địa bàn Long An, Tiền Giang chỉ mua cầm chừng, cứ đủ hàng là xuất đi chứ không dám trữ kho lạnh lâu.
Vừa qua, 4 xe container thanh long của tôi bị kẹt tại cửa khẩu, thiệt hại hết 200 triệu đồng".
Hiện, phía Trung Quốc kiểm tra rất nghiêm ngặt, cả chục ngày phải "đóng quân" tại cửa khẩu, thanh long không còn chất lượng cao, thương lái Trung Quốc ép giá.
Mọi năm, người trồng thanh long chỉ chờ bán mùa Tết, nhưng năm nay xem như mùa thanh long không trọn vẹn...
Nhiều ý kiến cho rằng nông dân cần phải liên kết, thành lập hợp tác xã thu mua nông sản của dân, không để thương lái Trung Quốc thao túng giá vào thời điểm nước sôi lửa bỏng.
Đồng thời, các địa phương cần có giải pháp, vận động thương nhân đảm bảo thu mua theo ký kết, chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thông quan trên cửa khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để không lặp lại "vết xe đổ".
Ông Lê Thành Phát (Tiền Giang), người có kinh nghiệm trồng thanh long 20 năm cho biết, trước đây thương lái đi mua theo từng giai đoạn, trái mới nhú bằng nắm tay giá cũng 40-50.000 đồng/kg, trái chín người mua vào tận vườn bao tiêu có khi giá đến 80.000 đồng/kg.
Còn bây giờ thương lái quay ra ép giá, nông dân trong vùng đang "ngồi trên đống lửa".
Trước cảnh cửa khẩu ùn ứ, nông sản rớt giá, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ ngành và địa phương đẩy nhanh tốc độ thông quan, đồng thời hạn chế đưa xe hàng về cửa khẩu, đảm bảo trước Tết Nguyên đán không còn tình trạng xe ùn tắc tại các cửa khẩu.
Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến nông sản; Bộ Công Thương mở rộng thị trường xuất khẩu, phân phối và tiêu thụ trong nước, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống.