Chủ tịch FPT và huyền thoại CNTT Ấn Độ hé lộ nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho giới CNTT
Sinh trong một gia đình 8 người con, cha là giáo viên, căn nhà ở cũng chỉ có 2 phòng ngủ, sinh hoạt cả gia đình chật trội. Song, một người con trong gia đình đó đã dám ước mơ, hành động và trở thành một tỷ phú thế giới.
Ngày 20/5, tại trụ sở Tập đoàn FPT (Hoà Lạc), Chủ tịch FPT và huyền thoại công nghệ thông tin (CNTT) của Ấn Độ, ông Narayana Murphy đã có cuộc trò chuyện, giao lưu và hé lộ nhiều câu chuyện truyền cảm hứng tới giới CNTT Việt Nam.
Tinh thần doanh nhân không phải là di truyền
Tại buổi toạ đàm với ông Trương Gia Bình, ông Narayana Murthy nhắc rất nhiều lần cụm từ "tinh thần doanh nhân không phải là di truyền". Ông nhấn mạnh, đó là khát vọng, tham vọng trong mỗi chúng ta, đó là năng lực, tư duy, khả năng nỗ lực tìm kiếm các cơ hội để hiện thực hoá ước mơ của mình.
Ông nói, thời ông học đại học, có những sinh viên thông minh hơn ông gấp nhiều lần, nhưng không phải tất cả trong số họ đều thành doanh nhân. Vì vậy, ông Murthy khẳng định, tinh thần doanh nghiệp không phải di truyền, hay do sự ảnh hưởng của người trong dòng tộc, mà đó chính là khát khao tìm kiếm cơ hội trong mỗi người.
"Tôi cũng đã từng là sinh viên và có nhiều sinh viên thông minh hơn tôi gấp nhiều lần, nhưng không phải tất cả trong số họ đều thành doanh nhân. Vì vậy, doanh nhân không phải do di truyền hay do sự ảnh hưởng của người trong dòng tộc, mà là chúng ta luôn luôn phải tìm kiếm cơ hội, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội", ông Murthy nói.
Tỷ phú Murphy cũng chia sẻ, thực tế có không ít doanh nghiệp là cha truyền con nối, có hậu duệ đưa doanh nghiệp của gia đình đó phát triển hơn, song cũng có nhiều doanh nghiệp gia đình đã thất bại, phá sản từ đời hậu duệ. Điều này càng chứng minh rằng, tất cả thành công là do tham vọng, khát khao và sẵn sàng vượt qua khó khăn, thậm chí có những thứ phải hy sinh thì chắc chắn chúng ta sẽ tới đích thành công.
Huyền thoại CNTT của Ấn Độ cũng chỉ ra rằng, việc đầu tư vào giáo dục là rất quan trọng. Nếu không học thì chúng ta không thể có tham vọng biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Ông chia sẻ, sinh trong một gia đình có 8 người con, cha là giáo viên, căn nhà ở cũng chỉ có 2 phòng ngủ, sinh hoạt cả gia đình khá chật trội. Và con đường để thoát nghèo duy nhất, đó là đầu tư vào giáo dục.
Tuy nhiên, không phải ai cũng học tốt, không phải cũng có thể trở thành doanh nhân và thành công hay xây dựng những doanh nghiệp khổng lồ, nhưng nếu có tri thức, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.
Ông may mắn có người cha là giáo viên và cả cha mẹ đều là những người đã trao cho ông những giá trị sâu sắc trong cuộc sống, đó là sự đồng cảm, sự hào phóng, cảm thông, sẵn sàng chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng, sự đúng giờ, kỷ luật, chăm chỉ… Những giá trị này đã tiếp sức cho ông đến tận bây giờ.
"Nhiều doanh nhân trên thế giới đã dành tới 75% cổ phần của mình cho nhân viên và cấp dưới. Infosys cũng làm vậy - hào phóng với nhân viên của mình", ông Murphy tự hào.
Bên cạnh việc lãnh đạo dành quyền lợi cho cấp dưới, bản thân nhân viên cũng cần tôn trọng và gìn giữ những tài sản thuộc về công ty. Đó là nền tảng ông xây dựng cho doanh nghiệp của mình.
Người thành công là dám mơ mộng, dám hành động
Vị tỷ phú sáng lập Infosys nhấn mạnh, các doanh nghiệp vốn được sáng lập từ mỗi doanh nhân và mọi thành công trên thế giới đều do doanh nhân biến các ý tưởng trở thành việc làm, đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Chính các doanh nhân là những người đầu tiên mơ mộng, người đầu tiên có ý tưởng và họ đã nỗ lực thực hiện chúng. Ở họ còn có tinh thần khởi nghiệp: dám ước mơ.
"Tôi cũng đã từng mơ ước những điều mà chưa bao giờ tôi biết có thành công hay không, nhưng đó là vẻ đẹp tinh thần của doanh nhân, dám ước mơ, dám có ý tưởng tuyệt vời, và tôi đã thành công, các bạn cũng sẽ thành công", ông Murphy khẳng định.
Nhà sáng lập Infosys cũng nhấn mạnh, hiện nay, công nghệ luôn thay đổi và gắn với đời sống kinh tế xã hội, nên nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ngành này vẫn còn rất "khổng lồ", vì vậy chúng ta phải vận động không ngừng thì mới thành công.
Vị doanh nhân Ấn Độ cũng cho rằng, công ty dịch vụ công nghệ phần mềm cần tạo ra giá trị khác biệt với khách hàng. Mỗi công ty cần có hệ thống thông tin đạt tiêu chuẩn để thoả mãn yêu cầu của các đối tác. Đó cũng là lợi thế, và chỉ doanh nghiệp công nghệ mới làm được.
Ngoài ra, việc học hỏi từ đối thủ cạnh tranh, cầu thị, sẵn sàng cải thiện các ý tưởng, thoả mãn yêu cầu cũng sẽ mang lại thành công.
Với các doanh nghiệp khi tăng trưởng cao cũng cần chú trọng kiểm soát chi phí, tạo nhiều công ăn việc làm, có nguồn lực để chăm sóc cho người lao động. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng năng lượng xanh, hạn chế ô nhiễm môi trường...
Tham vọng giải quyết vấn đề đói nghèo của đất nước
Khi nhận được câu hỏi từ ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT về ý tưởng sau câu chuyện khởi nghiệp là gia đình hay công nghệ, sự đam mê hay lý do nào khác, ông Murthy đã hé lộ những tham vọng của chính mình.
Có quãng thời gian sống và làm việc tại Pháp nhưng ông Murphy cho rằng không mấy dễ chịu với nhiều trải nghiệm ở đây. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng, để giải quyết đói nghèo ở Ấn Độ thì phải tạo công ăn việc làm cho người dân, điều này chỉ doanh nghiệp làm được.
Ông muốn thử nghiệm ý tưởng này và quyết định quay trở lại Ấn Độ. Tuy nhiên, ông đã thất bại với doanh nghiệp đầu tiên do không đánh giá đúng nhu cầu thị trường. Sau đó, ông thành lập một công ty khác với đồng nghiệp.
Năm 1981, ông Murthy lại nhận thấy nhiều cơ hội ở Mỹ cho các dịch vụ phần mềm, đặc biệt khi máy tính bắt đầu phổ biến, và ông đã nắm bắt cơ hội, khởi nghiệp nó cho doanh nghiệp của mình.
Thời điểm đó, ông đã phân phối 77% cổ phần của mình cho đối tác (cấp dưới của ông), đó là các nhà lập trình, thực tập sinh...
"Với tôi, tiền khi đó không quan trọng lắm. Lý tưởng sống của tôi khi đó là chứng minh được hoạt động kinh doanh có thể tạo ra khối lượng công việc lớn quan trọng thế nào. Đó là cái tôi muốn chứng minh cho sự đóng góp vào việc giải quyết đói nghèo ở Ấn Độ. Và đó là ước mơ và tham vọng của tôi", ông Murthy nhấn mạnh.
Theo ông Trương Gia Bình, mấy chục năm trước, một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam quyết định "bước ra thế giới", sự khởi đầu của Việt Nam cũng được học hỏi nhiều từ Ấn Độ. Với FPT, tham vọng đào tạo xây dựng doanh nghiệp phần mềm đầu tiên cũng được truyền cảm hứng bởi Ấn Độ.
"Năm 1999, lần đầu tiên đến Ấn Độ, tôi cảm thấy choáng ngợp bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin. Tôi tự hỏi Việt Nam có thể làm được như họ hay không. Tinh thần học hỏi không ngừng như vậy được áp dụng tại FPT Software sau này và là động lực để doanh nghiệp lớn mạnh như hiện tại", Chủ tịch FPT nói.
Ông Narayana Murthy trở thành huyền thoại CNTT của Ấn Độ khi đưa Infosys từ công ty vô danh thành biểu tượng của ngành phần mềm nước này. Năm 1999, Infosys là công ty đầu tiên của Ấn Độ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq. Năm 2023, công ty đạt doanh thu trên 18 tỷ USD, có 320.00 nhân viên, hiện diện tại 50 quốc gia trên toàn cầu và giá trị thị trường đạt trên 70 tỷ USD.
Theo thống kê năm 2023 của Forbes, Murthy sở hữu khối tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, xếp thứ 711 trong số những người giàu nhất hành tinh.
Bill Gates của Ấn Độ: 'Không học không biến tham vọng thành hiện thực'