Chủ tịch Hà Nội nói về tình trạng giao thông 'nút thắt cổ chai' ở Thủ đô
Trong buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hà Nội đã lắng nghe và làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm, đặc biệt là giao thông, đê điều ở Hà Nội.
Theo Dân trí, chiều 11/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Trong buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hà Nội đã lắng nghe và làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm, đặc biệt là giao thông, đê điều ở Hà Nội.
Theo ông Thanh, khi ông được phân công về công tác ở Hà Nội, ông đã yêu cầu các phòng chức năng bay flycam toàn bộ tuyến đê và hệ thống giao thông đối ngoại của Hà Nội. Khi xem lại, lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng đã cùng xem lại mới thấy Hà Nội đang là điểm xung yếu về đê. Các tỉnh lân cận đã đầu tư bài bản về đê, "cứng hóa" đê và rộng hơn ở Hà Nội.
Trong khi đó, nhiều đê ở Hà Nội còn rất lạc hậu. Đợt lũ vừa rồi như một phép thử với các tuyến đê ở Hà Nội. Chưa kể, tỉnh còn có quy hoạch và làm đường 60m, trong khi Hà Nội quy hoạch nhiều tuyến đường đối ngoại chỉ hơn 20m. Từ đó, tạo thành nút cổ chai.
Ông Thanh lấy ví dụ ở Vĩnh Phúc, đường rất rộng nhưng không biết Thủ đô to đẹp thế nào mà đường bé tẹo. Làm nông thôn mới cũng phải nhìn cho tương lai, làm những con đường rộng và phù hợp với quy hoạch, làm bây giờ phải nghĩ đến vài chục năm nữa, đặc biệt là vấn đề quy hoạch.
Chủ tịch Hà Nội cho biết Luật Đầu tư công đang có nhiều vướng mắc. Trung ương và Chính phủ đã nhận thấy bất cập nên tới đây Quốc hội sẽ xem xét sửa Luật Đầu tư công, khi sửa đổi xong sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhằm thực hiện các dự án được nhanh hơn.
Về việc triển khai Luật Thủ đô, Chủ tịch Hà Nội cho biết rằng thành phố đã tổ chức một buổi quán triệt, diễn ra cả trực tiếp lẫn trực tuyến, trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện vấn đề này một cách hiệu quả.
Ông Thanh nhấn mạnh Trung ương đã giao nhiệm vụ và quyền hạn, do đó Hà Nội phải nỗ lực để thực hiện. Kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố sẽ tập trung vào việc thông qua các nghị quyết, đảm bảo các cơ chế, chính sách có thể có hiệu lực từ 1/1/2025.
Hiện tại, thành phố đã trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Thành phố và các cơ quan liên quan đang nỗ lực giải trình các vấn đề mà cấp có thẩm quyền yêu cầu, để Thủ tướng có thể xem xét và phê duyệt sớm. Khi nhận được phê duyệt, thành phố sẽ nhanh chóng triển khai các quy trình để đưa các kế hoạch vào thực tiễn.
Ông Thanh cho biết thời gian qua, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 25 năm danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra thành công và an toàn, khiến người dân phấn khởi, là nguồn động viên lớn đối với lãnh đạo.
Ông Thanh cũng cho biết thành phố đang hướng tới việc mỗi người dân sẽ được khám sức khỏe miễn phí một lần trong năm, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp, đảm bảo mọi người đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe như nhau.
>>Chủ tịch UBND TP Hà Nội: mỗi cán bộ, công chức phải nắm vững quy định của Luật Thủ đô
Chủ tịch Hà Nội trải nghiệm công nghệ tại triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội
Chủ tịch Hà Nội: Tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô