Chủ tịch THACO Trần Bá Dương hiến kế phát triển công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp tuần hoàn
"Chúng ta nói nhiều về bán dẫn, công nghệ mới, nhưng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần có thời gian".
Tại Hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội sáng 21/9, Chủ tịch Tập đoàn THACO, ông Trần Bá Dương, đã chia sẻ tầm nhìn và kế hoạch phát triển trong các lĩnh vực mà THACO đang đầu tư, bao gồm ô tô, cơ khí – công nghiệp hỗ trợ, logistics, thương mại – dịch vụ, và nông nghiệp.
Ngành ô tô, cơ khí – công nghiệp hỗ trợ
Theo ông Dương, lĩnh vực ô tô đang chứng kiến những thay đổi lớn về công nghệ, đặc biệt là sự chuyển đổi sang ô tô sử dụng năng lượng mới, hướng đến mục tiêu xanh và sạch phù hợp với các cam kết COP 26 của Việt Nam. Tuy nhiên, sự giảm mạnh của thị trường ô tô từ 500.000 xe năm 2022 xuống còn 300.000 xe năm 2023, khiến các kế hoạch đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và năng lượng mới gặp nhiều khó khăn. Ông Dương nhấn mạnh, trong năm 2024, THACO sẽ đầu tư vào 7 nhà máy mới và tiếp tục mở thêm 3 nhà máy trong năm 2025 nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch lên 45%.
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương khẳng định: Xu hướng xe xanh là điều tất yếu. Nếu chuyển qua xe thuần điện đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian để đầu tư hạ tầng gia tăng, an toàn chất lượng và tiện dụng trong sử dụng. Hiện nay, hầu như các hãng ô tô đang hợp tác với THACO đều phát triển xe điện, nhưng bán vào Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu bán thí điểm là nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng. Một trong những loại xe được khuyến khích hiện nay là xe hybrid (xe lai) và xe lai hybrid có thêm pin. Hiện nay, xe hybrid có thêm pin có thể chạy từ 80-150km mà không cần nhiên liệu. Thứ hai, tiêu hao nhiên liệu giảm rất nhiều. Cùng với tiêu chuẩn khí thải Euro 5, sắp tới chúng ta nên coi trong chỉ tiêu về giảm phát carbon. Do đó, ông Trần Bá Dương kiến nghị chiến lược về công nghiệp ô tô từ 2014 đến nay, kể cả năm 2018 khi chúng ta hội nhập ASEAN với mức thuế bằng 0 cùng với rất nhiều FTA đã ký, đã đến lúc chúng ta phải xem xét vấn đề về phát thải ô tô.
Thứ hai là về năng lượng xanh thay đổi. Đề án chiến lược phát triển lĩnh vực ô tô đến 2030 và 2050 hướng đến sản xuất các động cơ hộp số nhưng chưa bám sát thay đổi về năng lượng xanh. Chủ tịch THACO mong muốn có những hội thảo, cả trong nước và quốc tế để nhìn rõ những thay đổi và xu hướng của thị trường, để thấy được tỷ trọng các loại xe từ xe xăng ít tiêu hao nhiên liệu đến xe lai, xe lai có pin, xe pin có thêm động cơ nhỏ để sạc điện, và xe thuần điện. Việc này sẽ được thực hiện từng bước phù hợp và tránh được rủi ro cho nền kinh tế. Nếu đi quá nhanh sẽ không theo kịp tình hình thị trường, cũng như các hạ tầng về điện, an toàn.
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương phát biểu tại Hội nghị |
>> Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trần Bá Dương chung quan điểm - một ngành công nghiệp sắp 'lên ngôi'?
Thứ ba, về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi sản lượng và công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ xuất hiện nhiều trong các ngành nghề. THACO may mắn đã triển khai sản xuất cơ khí từ sớm.
Trong năm 2024, THACO đã xuất khẩu gần 140 triệu USD, thông qua bán cho các doanh nghiệp FDI, và các doanh nghiệp này xuất khẩu, mang về thêm 20 triệu USD nữa.
"Thời gian vừa rồi, chúng tôi rất vất vả để phòng vệ thương mại, phải kiểm soát kỹ các hàm lượng, đặc biệt là nguyên vật liệu và linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc. Sang năm, chúng tôi dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ. THACO cũng đang tiếp tục triển khai Khu Công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa qua đây lắp ráp và chuyển về, trong đó chúng ta cũng có thể sản xuất từ 35-40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng cho họ sử dụng" - ông Trần Bá Dương trình bày.
Trong năm 2024, THACO đã bán linh kiện phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất ô tô trong nước như: Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu, mang về doanh thu là 13 triệu USD, dự kiến gia tăng doanh thu trong năm tiếp theo. Về kiến nghị cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hiện nay chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng. "Chúng ta nói nhiều về bán dẫn, công nghệ mới, nhưng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần có thời gian. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí hiện nay đi sâu vào đời sống, đến lao động giản đơn, thậm chí không cần học hành nhiều, thực tế này mang tính lan tỏa và đi vào đời sống công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi mong Chính phủ xem xét vấn đề này, đây cũng là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như xuất khẩu", ông chủ của THACO đề xuất.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Về lĩnh vực Nông nghiệp, THACO theo đuổi chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ. THACO đã mua lại 84.000ha từ Tập đoàn từ HAGL, với nhiều khu đất xen cài. Chính phủ Việt Nam, Campuchia, và Lào cũng hỗ trợ chúng tôi thực hiện dự án mới, và THACO đã mua thêm khoảng 6.000ha nữa. Chúng tôi đã đầu tư 31.000 tỷ đồng ở Campuchia, 19.000 tỷ đồng tại Lào, và 18.000 tỷ đồng tại các tỉnh trong nước. Đầu tư trong nước khiêm tốn do quy hoạch và thủ tục kéo dài. Ở Lào và Campuchia, chúng tôi đã triển khai mô hình thí điểm và đang trình dự án để chính phủ các nước bạn phê duyệt.
Năm nay, doanh thu xuất khẩu nông nghiệp của THACO đạt khoảng 53 triệu USD, và trong nước là 1.600 tỷ đồng. Sang năm, dự kiến sẽ đạt 300 triệu USD xuất khẩu, và khoảng 2.500 tỷ đồng từ doanh thu trong nước. Đến năm 2027, sau khi hoàn thành đầu tư, THACO đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD xuất khẩu về nông sản.
Về đề xuất cho lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay ở cao nguyên trước đây, chuyển rừng sang sản xuất cao su nhưng không hiệu quả. Giá cao su hiện nay, nếu đất mà không tốt, không đạt 2,3 tấn/ha thì lỗ. Do đó, nếu chuyển đổi rừng kết hợp chăn nuôi, vừa nông nghiệp, nhằm hình thành mô hình khu liên hợp trồng trọt và chăn nuôi tuần hoàn, sẽ là hướng phát triển mới cho nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay người dân chỉ trồng sầu riêng, năm ngoái dù làm riêng lẻ nhưng đã xuất khẩu được 500 triệu USD.
>> Dự án trại heo giống cụ kỵ 1.800 tỷ của ông Trần Bá Dương tại Bình Định có tin vui mới
Logistics, thương mại – dịch vụ
Ông Trần Bá Dương trình bày, THACO đã đầu tư mạnh vào phát triển logistics, với cảng Chu Lai là trung tâm của chuỗi cung ứng. Cảng này đã xử lý 5 triệu tấn hàng hóa trong năm 2024, tuy nhiên, luồng tuyến hiện tại chỉ phục vụ được 30% ra bên ngoài, 70% là của công ty, vì luồng tuyến mới chỉ đạt được tàu 2 vạn tấn. Trước đây, Thủ tướng đã chỉ đạo, và THACO sẵn sàng đầu tư gần 4.000 tỷ đồng cho tuyến luồng mới. Tuy nhiên, hiện nay đang chờ chính phủ phê duyệt quy hoạch, và cần có quy hoạch này thì dự án này mới thực hiện được.
Lượng hàng hóa từ Nam Lào về Việt Nam hiện nay rất lớn. Năm nay, riêng khoáng sản là 1 triệu tấn, các mặt hàng khác chiếm hơn 1 triệu tấn nữa. Nhưng đường 14D gần như hư hỏng nặng, 14E xây dựng rất chậm. Vừa rồi chúng tôi thực hiện 2 dự án BOT và hứa sẽ cố gắng thực hiện những dự án này. Để làm được, chúng tôi sẽ kết nối 3 vùng: Bắc Campuchia, Cao Nguyên về miền Trung, trong đó có Chu Lai, Quy Nhơn; Nam Lào, Kon Tum về Chu Lai; và các tỉnh lân cận từ Quảng Ngãi, Quảng Nam. Hiện nay, Quảng Ngãi có 1 công ty làm nội thất, xuất 140 container/ngày, nhưng phải chở ra Đà Nẵng, mất thêm 4,5 triệu đồng/container. Vì vậy, quy hoạch cảng biển miền Trung không nên tập trung vào một chỗ, mà hướng về phía Tây, qua Lào, Campuchia, để cả dãy miền Trung, tất cả cảng biển vẫn có thể hoạt động tốt. Rất mong Bộ Giao thông và Chính phủ xem xét lại những thay đổi lớn này để có thể điều chỉnh nâng cấp cảng.
Hiện tại, THACO đã mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ với việc mua lại hệ thống siêu thị Emart. Tập đoàn đã xây dựng 3 trung tâm thương mại lớn và dự kiến mở rộng lên 16 trung tâm vào năm 2027, với mục tiêu dẫn dắt thị trường bán lẻ cùng với Aeon.
Ngoài hoạt động kinh doanh, THACO cũng tham gia tích cực vào các hoạt động trách nhiệm xã hội, như sản xuất xe cứu thương trong đại dịch Covid-19 và xây dựng lại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tập đoàn đang triển khai các dự án xây dựng nhà ở bền vững tại Quảng Nam và các vùng núi phía Bắc, nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường.
>> Chủ tịch Tập đoàn Sun Group đưa đề xuất thúc đẩy ngành 'công nghiệp không khói' tại Việt Nam
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup (VIC) đăng ký làm 500.000 căn nhà ở xã hội
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trần Bá Dương chung quan điểm - một ngành công nghiệp sắp 'lên ngôi'?