Vĩ mô

'Chữ tín' để nông sản Việt 'vững chân' ở thị trường Trung Quốc

Trần Thường 17/12/2023 - 13:58

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh nhấn mạnh, cả Việt Nam và Trung Quốc đều coi trọng "chữ tín" trong làm ăn. Do đó, nâng cao "chữ tín" để nông sản Việt vững chân ở thị trường Trung Quốc là điều quan trọng, cần thiết.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây, hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.

Theo Tuyên bố chung, phía Trung Quốc sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này.

Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu.

Ngược lại, Việt Nam sẽ tăng nhập cá tầm từ Trung Quốc, trao đổi và thúc đẩy lĩnh vực, nghề liên quan phát triển lành mạnh.

Hai nước cũng nhất trí mở rộng quy mô thương mại song phương cân bằng, bền vững. Các biện pháp đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, Hữu Nghị để tăng hiệu suất thông quan cũng được hai nước đồng thuận thúc đẩy.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

VietNamNet trao đổi với Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Đỗ Nam Trung về hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong xuất khẩu nông sản.

W-95a8502af75e5f00064f-2.jpg
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Đỗ Nam Trung.

Ông Đỗ Nam Trung nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là thị trường lớn và quan trọng của nông sản Việt Nam. Trong số nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm 95%, sắn chiếm 90%, vải chiếm gần 90% và thanh long chiếm 80%.

Trong bối cảnh mới, trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những cơ hội và thách thức mới đòi hỏi cách làm mới.

Về cơ hội, Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung lựa chọn 3 từ khóa "thiên thời", "địa lợi" và "nhân hòa”.

Về "thiên thời", quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc tốt đẹp cách đây vài ngày.

Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi nhờ các hiệp định này.

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc có một số khó khăn và một trong ưu tiên của nước này là thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Ông Trung nhấn mạnh, đây chính là cơ hội của nông sản Việt Nam.

Hiện nay, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chiếm tỷ lệ tương đối lớn, đây là đối tượng chính sử dụng nông sản chất lượng cao từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc coi trọng thị trường 100 triệu dân Việt Nam. Trong hội đàm cấp cao, hai Tổng Bí thư đều khẳng định, rất coi trọng xuất khẩu nông sản sang nhau. Trung Quốc cũng muốn xuất khẩu nhiều hơn nữa sang Việt Nam mặt hàng hoa quả chất lượng cao. Do vậy, Việt Nam sẽ có “thế” trong đàm phán trao đổi nông sản với Trung Quốc.

Về “địa lợi”, nếu Việt Nam và thị trường châu Âu gặp bất lợi về khoảng cách địa lý, thì với Trung Quốc lại ngược lại, khi "bước chân ra khỏi cửa là đến nhà nhau".

Mặc dù đối thủ trực tiếp của Việt Nam trên thị trường nông sản Trung Quốc là Thái Lan nhưng do khoảng cách vận chuyển không thuận lợi bằng Việt Nam. Dẫn chứng điều này, ông Trung cho biết, sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng đông lạnh và sầu riêng múi chứ không phải sầu riêng nguyên quả như Việt Nam.

Về yếu tố “nhân hòa”, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh chia sẻ, Trung Quốc và Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử và văn hóa doanh nghiệp, "phải nói rằng 2 bên rất hiểu nhau". Thương mại nông sản hai nước nhận được nhiều sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao và các cấp thể hiện rõ qua các chuyến thăm.

Cơ quan ngoại giao luôn "rộng mở" với doanh nghiệp

Nói đến khó khăn, ông Đỗ Nam Trung cũng đưa ra 5 từ khóa "thị trường, chất lượng, tốc độ lưu thông, uy tín, tính ổn định bền vững".





Thanh long và sầu riêng là 2 trong nhiều loại nông sản chiếm số lượng lớn khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về thị trường, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính mà hướng tới các tiêu chuẩn cao. Doanh nghiệp cần nhiều thông tin để hiểu biết căn cơ hơn về thị trường Trung Quốc, nhất là văn hóa tiêu dùng.

Loại hình tiêu dùng, ngoài hình thức truyền thống như chợ hay siêu thị, thì thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác và tận dụng nhiều hơn nữa xu hướng này.

Về chất lượng sản phẩm, ông Đỗ Nam Trung chia sẻ, doanh nghiệp nông sản Trung Quốc nói với ông rằng, mặt bằng chung và sự đồng đều, nông sản của Việt Nam chưa bằng Thái Lan. Theo ông, đây là vấn đề lâu dài, căn cơ và chiến lược phải nâng cao để chiếm lĩnh, vững chân ở thị trường Trung Quốc.

Về tốc độ lưu thông, ông Trung phân tích từ vườn cây đến chợ, siêu thị và bàn ăn của người Trung Quốc, vấn đề logistics, vận chuyển cần được cải thiện để đảm bảo tốc độ lưu thông nông sản, vốn là mặt hàng coi trọng sự tươi ngon.

Về uy tín, ông Đỗ Nam Trung cho biết, cá biệt có doanh nghiệp Việt vẫn có vấn đề về uy tín, khi vẫn có hiện tượng gian lận xuất xứ, tem mác, tình trạng sâu bệnh. Việt Nam và Trung Quốc đều coi trọng chữ tín trong làm ăn, do đó nâng cao "chữ tín" để vững chân ở thị trường Trung Quốc là điều quan trọng, cần thiết.

Cuối cùng, trong tổng hòa các yếu tố trên phải đảm bảo tính bền vững và lâu dài.

Ông Trung khẳng định ngành ngoại giao xác định người dân, doanh nghiệp, địa phương là trung tâm để phục vụ. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Trung Quốc luôn luôn "rộng mở" để trao đổi thông tin với doanh nghiệp, địa phương và người nông dân Việt Nam.

Trao đổi với VietNamNet nhân chuyến thăm vừa qua, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cho biết, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam. Trong 3 quý năm nay kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam là tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 1,95 tỷ USD.
"Đầu năm, Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD sầu riêng sang Trung Quốc trong 2023. Lúc đó, tôi nhận định, chắc chắn sẽ vượt qua con số này, thậm chí là gấp đôi và hiện tại đã gấp 2 lần rồi dù chưa hết năm. Gần đây, tôi gặp nhiều phái đoàn, du khách Trung Quốc sang thăm Việt Nam, họ đều nói rằng sầu riêng Việt Nam rất ngon, giá phù hợp và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc", Đại sứ chia sẻ.
Ngoài ra, dừa tươi của Việt Nam cũng rất có triển vọng. Trung Quốc đang đẩy nhanh các thủ tục cũng như tham vấn trình tự kiểm kiểm dịch dừa tươi. Tiềm năng của mặt hàng này rất lớn.

Loại nông sản bình dân của Việt Nam có thể tận dụng 'từ gốc đến ngọn' trở thành 'ngôi sao' tại thị trường Trung Quốc với thuế nhập khẩu 0%

Xuất khẩu nông sản Việt lập kỷ lục với 56 tỷ USD, Mỹ và Trung Quốc 'bao tiêu' tới một nửa

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chu-tin-de-nong-san-viet-vung-chan-o-thi-truong-trung-quoc-2227756.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Chữ tín' để nông sản Việt 'vững chân' ở thị trường Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH