Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành logistics, bên cạnh hạ tầng, thích ứng với các xu hướng phát triển xanh, bền vững, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được chú trọng về chất lượng, có trọng tâm.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố hiện có khoảng 14.000 người làm việc trong lĩnh vực logistics, tăng 4 lần so với năm 2011, chiếm 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 30 – 50% nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ logistics.
Việc giải quyết sự thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, kho bãi, đặc biệt là cán bộ quản lý điều hành chuyên ngành về logistics trình độ đại học và trên đại học, được đào tạo nước ngoài hoặc nhân công được đào tạo chuyên nghiệp, có tình độ tay nghề cao, hiện là nhu cầu bức thiết đối với Thành phố cũng như vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. "Tại TP. Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics tại các trường đại học chủ yếu lồng ghép vào các ngành như ngoại thương, quan hệ quốc tế…nên để có nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ cho ngành còn rất hạn chế", Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng thông tin.
Ông Trần Chí Dũng, Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số, Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) cho hay, nhân lực logistics ở Việt Nam đang thiếu cả thầy lẫn thợ.
"Những người làm quản trị logistics không nhiều và chủ yếu làm theo kinh nghiệm, chứ chưa được hệ thống hóa kiến thức, chưa được cập nhật kiến thức quản trị mới, vì vậy, họ không được gọi là "thầy", mà chỉ là người đi trước duy trì hoạt động logistics, đó là "thiếu thầy". Bên cạnh đó, ở phân khúc nghiệp vụ trực tiếp, nhiều lĩnh vực như quản lý kho, quản lý vận tải, những công việc này chỉ cần trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, nhưng thực tế phần lớn họ rất ít được đào tạo. Như vậy là "thiếu cả thợ"", ông Trần Chí Dũng nhận định.
"Tăng chất" cho ngành logistics
Theo ông Trần Chí Dũng, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics cần chú trọng hơn về chất lượng, có trọng tâm.
Giải bài toán nhân lực logistics cần tập trung ở 3 nội dung chính: Xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp logistics để chuẩn hóa đào tạo; chú trọng đạo tạo giảng viên - lực lượng nòng cốt đào tạo cho nhân lực logistics; tạo môi trường thực tập thực tế cho sinh viên - học kết hợp với thực tế.
"Vài năm trở lại đây đã có rất nhiều trường đại học mở ngành logictics, tuy nhiên các giảng viên vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Đa số các chương trình đào tạo được xây dựng dựa vào nhau, người đi sau thường tham khảo của người đi trước. Cụ thể là mở tên ngành giống nhau, các tài liệu giảng dạy cũng tương tự nhau. Cùng với đó, có một đặc điểm chung là thiếu thực tế, lý thuyết thì không sai, nhưng giữa thực tế và lý thuyết có sự khác biệt rất lớn. Đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi số, các ứng dụng, mô hình kinh doanh đã thay đổi mà chưa có sách vở nào có thể theo kịp được", ông Trần Chí Dũng đánh giá.
Theo ông Trần Chí Dũng, cách tốt nhất là rút ngắn thời gian đào tạo và đưa sinh viên ngay lập tức vào môi trường làm việc; sau khi đi làm, người lao động sẽ lựa chọn ngành nghề phù hợp và tiếp tục theo học để lấy chứng chỉ hoạt động.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, cần tập trung hỗ trợ các trường hình thành đội ngũ giảng dạy, nhất là chuyên gia về logistics. Hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy logistics ở các trường để các thầy cô có điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là các kiến thức, quy chuẩn theo FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế)…"Có một đội ngũ giảng viên "chắc" thì sẽ có đội ngũ người lao động chất lượng và có kỹ năng tốt để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển logistics", PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa chia sẻ.
Ông Somsak Wisetruangrot, Chủ tịch Viện Đào tạo Logistics AFFA gợi ý, cần có những chương trình bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo nguồn nhân lực ở các quốc gia trong khu vực (ASEAN). "Hiện AFFA có Viện Đào tạo logistics có thể hỗ trợ đào tạo một phần nhân lực logistics. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, các trường, doanh nghiệp có thể liên kết Hiệp hội Dịch vụ vận tải logistics Việt Nam (VLA) để hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, đội ngũ người lao động", ông Somsak Wisetruangrot thông tin.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hằng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.
'Con tàu' chở 870 thuyền viên ra biển, mỗi ngày thu lãi hơn 5 tỷ đồng
Hà Nội sắp có trung tâm outlet đầu tiên, nằm cách sân bay lớn nhất miền Bắc khoảng 7km