Chưa kịp cài sinh trắc học, người dùng có thể chuyển tiền từ 1/7 được không?
Đây là câu hỏi đang được rất nhiều người dùng tài khoản ngân hàng quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh không ít người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học.
Khó cài đặt sinh trắc học
Kể từ ngày 1/7, xác thực sinh trắc học sẽ là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi người dân giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking hoặc giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn. Quy định mới này nhằm tăng cường bảo mật cho tài khoản ngân hàng, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận tài chính. Tuy nhiên, việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học, căn cước công dân trên các app ngân hàng vẫn đang khiến người dùng gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, để thu thập dữ liệu sinh trắc học, ngân hàng thường yêu cầu khách hàng thực hiện theo các bước chính: chụp ảnh mặt trước, mặt sau và quét mã QR trên căn cước công dân, quét khuôn mặt và quét dữ liệu trên căn cước thông qua công nghệ NFC (near-field communication).
Trên thực tế, việc xác thực dữ liệu sinh trắc học trong hai bước đầu tiên tương đối đơn giản. Những vấn đề thường gặp như thiếu ánh sáng, bóng mờ hay không quét được mã QR thường được giải quyết chỉ sau một vài lần thử lại. Ngoài ra, các ứng dụng ngân hàng cũng đưa ra chỉ dẫn rõ ràng, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện.
Tuy nhiên, ở bước xác thực cuối cùng là quét dữ liệu thông qua công nghệ NFC lại khiến nhiều khách hàng phải gặp khó khăn hơn cả. Phần lớn người dùng thường xuyên cho biết, quá trình quét NFC trên các app của những ngân hàng thường xuyên cho ra thông báo đọc chip thẻ căn cước không thành công.
Trước những khó khăn của khách hàng trong quá trình cập nhật dữ liệu, các ngân hàng cho biết, ngoài hình thức cập nhật trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng, người dân có thể đem theo căn cước công dân đến trực tiếp các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC tại quầy.
Ngoài ra, đối với khách hàng là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp căn cước công dân gắn chip, khách hàng có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng, để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học.
Chưa kịp cài sinh trắc học có thể chuyển tiền từ 1/7?
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, từ 1/7/2024, tất cả các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đều phải được xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt.
Cụ thể, các giao dịch chuyển tiền có giá trị dưới 10 triệu, một ngày không quá 20 triệu thì sẽ xác thực bằng mã OTP và không cần xác thực bằng vân tay hoặc khuôn mặt. Trong khi đó, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng giá trị số tiền các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì khi đến lần chuyển tiếp theo trong cùng ngày đó cần phải xác thực bằng khuôn mặt hoặc vân tay, dù lần đó có chuyển bao nhiêu đi nữa.
Như vậy, đối với các giao dịch có giá trị trên 10 triệu hoặc hạn mức trong một ngày đã chạm mốc 20 triệu thì chắc chắn người dùng cần phải xác thực sinh trắc học thì mới có thể thực hiện được giao dịch.
Đối với các giao dịch thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ hợp pháp được tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hay bên trung gian thanh toán cung cấp hoặc tại các đơn vị có chấp nhận thanh toán do các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hoặc trung gian thanh toán sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn, thẩm định, giám sát cũng như quản lý với giá trị thanh toán dưới 100 triệu đồng trong một ngày thì sẽ không phải thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay. Nếu tổng giá trị thanh toán trong một ngày từ 100 triệu đồng trở lên, giao dịch đó sẽ bị gián đoạn nếu chủ tài khoản không cập nhật thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay.
Đối với giao dịch thực hiện chuyển tiền thực hiện giữa các ví điện tử hoặc nạp tiền vào ví điện tử, hoặc rút tiền từ ví điện tử mà số tiền mỗi lần thực hiện dưới 10 triệu hoặc tổng số tiền trong một ngày không quá 20 triệu thì vẫn xác thực bằng mã OTP mà không cần xác thực bằng vân tay hoặc khuôn mặt. Nhưng nếu giá trị đó vượt quá số tiền này, giao dịch sẽ lập tức bị gián đoạn khi chủ tài khoản không cập nhật thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay.
Đối với giao dịch thực hiện chuyển liên ngân hàng ra tài khoản nước ngoài, người dân buộc phải tiến hành thực hiện cập nhật xác thực sinh trắc học vân tay trong ứng dụng ngân hàng bởi nếu không thì giao dịch sẽ bị gián đoạn.
Các bước cài đặt sinh trắc học
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng BIDV, TPBank, Eximbank, VPBank, Techcombank... đều đã gửi thông báo cho khách hàng yêu cầu đăng ký sinh trắc học để chuẩn bị áp dụng quy định mới trong giao dịch gửi tiền.
Để cài đặt sinh trắc học, người dân cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và truy cập tính năng "Cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng của ngân hàng phiên bản mới nhất để thực hiện cài đặt theo các bước hướng dẫn.
Bước 1: Chọn tính năng "Cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng di động (app) của ngân hàng.
Bước 2: Tích chọn các chức năng và nhập hạn mức tối thiểu cần xác thực bằng sinh trắc học. Thực tế khách hàng có thể tự chọn cho mình một hạn mức nhất định dưới 10 triệu đồng nếu muốn đảm bảo hơn vệ sự an toàn cho tài khoản.
Bước 3: Chụp hai mặt của CCCD gắn chip.
Bước 4: Đọc thông tin trên CCCD theo hướng dẫn.
Bước 5: Chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.
Ngoài ra, người dân cũng có thể trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn cài đặt.
Sau khi đã thực hiện cài đặt sinh trắc học, kể từ ngày 1/7, nếu giao dịch thuộc diện phải xác thực theo quy định, người dân sẽ phải thực hiện 3 bước giao dịch xác thực bằng sinh trắc học trên ứng dụng di động của ngân hàng (app).
Bước 1: Nhập các thông tin giao dịch như thông thường (số tiền, thông tin người nhận, ngân hàng nhận…).
Bước 2: Áp dụng với các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của NHNN, ứng dụng sẽ bật camera điện thoại để xác thực hình ảnh khuôn mặt của khách hàng.
Bước 3: Nhập mã Smart/SMS OTP để hoàn tất giao dịch.
>> Các ngân hàng phải bảo đảm giao dịch được thuận lợi khi thực hiện sinh trắc học
Các ngân hàng phải bảo đảm giao dịch được thuận lợi khi thực hiện sinh trắc học
Làm sao để xác thực sinh trắc học nếu không có CCCD gắn chip hoặc điện thoại không hỗ trợ NFC?