Chứng khoán 2022: THD - L14 mất giá mạnh nhất thị trường, vẫn có mã tăng hơn 400%

01-01-2023 14:38|Hữu Dũng

Năm 2022, sau mỗi biến cố, cổ phiếu lại tiếp tục “bay màu”, tài khoản nhà đầu tư chưa kịp hồi đã tiếp tục “bốc hơi”; tâm lý chán chường - bế tắc và tuyệt vọng khiến không ít người phải ngậm ngùi cắt lỗ và rời đi,… Cứ thế, một thị trường liên tục lao dốc và đói lực cầu hiển lộ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại năm 2022 đầy biến động bằng phiên đảo chiều giảm điểm ngày 30/12 kéo VN-Index về 1.007,09 điểm. Với mức giảm 32,78% so với cuối năm 2021, chỉ số đại diện thị trường đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử (chỉ sau năm 2008).

Trong năm qua, sắc đỏ tràn ngập trên thị trường khi có đến 9 tháng VN-Index giảm điểm và chỉ ghi nhận 3 tháng tăng điểm và chỉ số có thời điểm chạm mức đáy sâu nhất là 873,78 điểm trong phiên 16/11.

Ghi nhận tại thời điểm tạo đáy, VN-Index đứng đầu tất cả các bảng xếp hạng giảm mạnh nhất thế giới trong toàn bộ các khung thời gian phổ biến như ngày, tuần, tháng, 3 tháng, 6 tháng, từ đầu năm và một năm.

Hình minh họa

Từ đỉnh cao vùng 1.500 - 1.53x điểm, cả trăm cổ phiếu đồng loạt “hạ sơn” cùng VN-Index, HNX-Index; từ tận cùng hưng phấn, cả vạn chứng sĩ nhanh chóng bị đánh úp mà chưa kịp chuẩn bị tâm thế.

Sau mỗi biến cố, cổ phiếu lại tiếp tục “bay màu”, tài khoản nhà đầu tư chưa kịp hồi đã tiếp tục “bốc hơi”; tâm lý chán chường - bế tắc và tuyệt vọng khiến không ít người phải ngậm ngùi cắt lỗ và rời đi,… Cứ thế, một thị trường liên tục lao dốc và đói lực cầu hiển lộ.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nằm ngoài túi tiền nhà đầu tư: Nhìn sơ qua một vòng về biến động giá cổ phiếu năm qua, xét theo chiều tăng, SJC của CTCP Sông Đà 1.01 là mã biến động mạnh nhất khi tăng 411% từ 3.500 đồng lên 17.900 đồng. Trong thời gian gần đây, thanh khoản trung bình đạt hơn 120.000 đơn vị/phiên trong khi trước đó chỉ dao động quanh mức 50.000 đơn vị mỗi phiên.

Theo sau là NWT của CTCP Vận tải Newway (NWT) khi tăng 300% từ 2.500 đồng lên mức 10.000 đồng. Dù vậy, NWT thường chỉ biến động một phiên mỗi tháng, thậm chí có giai đoạn 4 tháng liên tục không khớp lệnh cổ phiếu nào. Chỉ đến giữa tháng 7, cổ phiếu này mới rục rịch tăng giá. Phiên gần nhất NWT ghi nhận có lệnh sang tay thành công là cách đây bốn tháng, với chỉ 100 cổ phiếu.

Tiếp đến là mã SAP của CTCP In Sách giáo khoa tại TP. HCM khi tăng 299% từ 8.900 đồng/cổ phiếu lên mức 35.500 đồng.

Ngoài ra, các mã tăng ngược dòng thị trường khác được ghi nhận còn có EPC (284%), SSF (281%), HPM (261%), XMD (253%), VLA (233%), DDH (210%).

Dù không nằm trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất năm song XDH của CTCP Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội cũng là mã đáng chú ý. Theo đó tính đến phiên 27/12, biên độ tăng của mã này là hơn 575% từ 4.680 đồng lên 31.600 đồng. Dù vậy, trong 2 phiên cuối năm cổ phiếu này lại liên tục giảm sàn về vùng 16.200 đồng/cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu "gặp nạn" khi lãnh đạo nhà bị bắt: Ở chiều ngược lại, trong danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán năm 2022, có đến có 6 mã liên quan đến những cựu lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán gồm ART, KLF (-89%), AMD (-87%) liên quan cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết; LDP (-86%), VKC (-87%) liên quan cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và TVB (-85%) liên quan đến cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng.

Trong số này, ART của Chứng khoán BOS là cổ phiếu có mức giảm sâu nhất thị trường chứng khoán khi mất đến 92% (từ 16.300 đồng còn 1.300 đồng). Đà giảm của ART được kích hoạt khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào cuối tháng 3. Đến cuối tháng 11, cổ phiếu này bị đình chỉ giao dịch vì không khắc phục được các vi phạm về công bố thông tin.

Danh sách giảm sâu còn có TBH của Tổng Công ty Bách Hóa khi mất 93% từ 97.000 đồng còn 6.500 đồng;...

PDR và NVL hiện cũng là một trong 5 mã có vốn hóa thấp nhất nhóm VN30 sau năm 2022

PDR - cổ phiếu VN30 - vốn hóa như cổ phiếu Midcap: Bên cạnh những mã tăng/giảm mạnh, cũng có không ít cổ phiếu để lại nhiều xúc cảm đáng nhớ như cổ phiếu của Novaland (NVL) và CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với vài lần giải cứu sau chuỗi giảm sàn.

Đây cũng là hai mã vốn hóa lớn duy nhất nằm trong danh sách 50 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán khi lần lượt sụt 84% và 81%.

HPX đi vào lịch sử khớp lệnh sau phiên giải cứu: Ngoài ra, hơn 165 triệu cổ phiếu được sang tay tương đương 54,1% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại miền Bắc - CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) trong phiên 30/11 cũng là điểm nhấn năm 2022. HPX đã vượt mặt những “tên tuổi” như FLC, NVL, DIG, GEX, ROS qua đó xác lập kỷ lục về khối lượng giao dịch trong một phiên của chứng khoán Việt Nam.

THD - L14 mất giá mạnh nhất toàn thị trường: Hay như "tam tấu" L14 - CEO - DIG cũng đều hạ sơn sau khi leo đỉnh đầu năm với các mức giảm từ 80 - 90% giá trị. Trong số này, L14 của CTCP Licogi 14 trở thành mã mất giá mạnh thứ 2 thị trường chứng khoán Việt năm 2022 khi giảm từ 226.000 đồng hồi đầu năm về còn giá 51.600 đồng.

Nếu xét theo biên độ rộng, mã đã rơi từ mức đỉnh lịch sử 420.8x đồng (phiên 13/1) và chạm đáy nhiều năm 16.500 đồng (phiên 16/11) - tương ứng giảm hơn 92% trước khi được kéo trở lại vùng 5x.

Một mã khác cũng gây chú ý là THD của CTCP Thaiholdings khi giảm từ đỉnh lịch sử 277.000 đồng (giá cuối năm 2021) về còn 39.000 đồng (kết năm 2022) - tương ứng mức giảm 86%. Như vậy, chỉ sau 1 năm lên dốc, cổ phiếu nhà ông Nguyễn Đức Thụy đã nhanh chóng đổ đèo với cú rơi làm đau tất cả nhà đầu tư "đu đỉnh". Đây cũng là mã mất giá mạnh nhất trên toàn thị trường năm nay xét theo giá trị (giảm tới 238.000 đồng/cổ phiếu).

Diễn biến cổ phiếu L14 (đỏ) và THD (vàng) từ năm 2021 trở lại đây

IBC - cổ phiếu có chuỗi giảm sàn dài nhất: Cũng không thể không kể đến chuỗi 26 phiên giảm sàn liên tục của cổ phiếu IBC (CTCP Đầu tư Apax Holdings) trong hơn 1 tháng cuối năm 2022 kéo thị giá về vùng "trà đá" trước khi được giải cứu bằng 2 phiên tăng trần cuối năm. Đáng nói, đây cũng là chuỗi giảm sàn sâu nhất mà một cổ phiếu từng ghi nhận trong năm Dương lịch 2022.

Vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 2 triệu tỷ đồng: VN-Index giảm sâu đã khiến vốn hóa HOSE bị “thổi bay” 1,82 triệu tỷ đồng (~77 tỷ USD) chỉ sau một năm, (hiện còn khoảng 4 triệu tỷ đồng). Đáng nói, năm 2022 cũng chứng kiến lần đầu tiên vốn hóa HOSE vượt 6 triệu tỷ đồng (thời điểm thị trường thăng hoa).

Nếu tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa chứng khoán Việt Nam thậm chí đã “bốc hơi” hơn 2 triệu tỷ đồng trong năm qua.

Khối ngoại trở lại rót ròng tỷ USD: Dù có nhiều biến động không thuận lợi trong năm qua nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận một vài điểm sáng. Nổi bật nhất là giao dịch của khối ngoại khi mua ròng đến 26.700 tỷ đồng chỉ riêng trên HOSE trong năm 2022 sau năm bán mạnh trước đó.

Các quỹ ETF dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào thị trường trong đó có dòng tiền chủ lực từ Fubon FTSE Vietnam ETF hay bộ đôi DCVFM VNDiamond và DCVFM VN30 ETF đang được nhà đầu tư Thái Lan rất ưa thích.

Cùng với đó, nhiều ETF nội và ngoại với những khẩu vị khác biệt được cho ra mắt trong năm qua cũng góp phần làm đa dạng hóa lựa chọn cho nhà đầu tư.

Nhìn chung, những biến động trong ngắn hạn khó có thể làm lu mờ triển vọng tích cực về dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư còn nhiều, tình hình vĩ mô ổn định cùng với mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là những yếu tố được đánh giá cao.

Ngoài ra, kỳ vọng nâng hạng thị trường trong những năm tới được dự báo sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.

VN-Index vượt 1.230 điểm, một doanh nghiệp bị bán 40% vốn

Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-2022-thd-l14-mat-gia-manh-nhat-thi-truong-van-co-ma-tang-hon-400-164539.html&dm=10aad18ffe3adc38ea373f1c42b587ef&utime=MjAyMzAxMDEwOTQ4NDE=&secureURL=e0
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chứng khoán 2022: THD - L14 mất giá mạnh nhất thị trường, vẫn có mã tăng hơn 400%
    POWERED BY ONECMS & INTECH