Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết những dự báo và khuyến nghị về giá mục tiêu trước đó của cổ phiếu GEX không còn hiệu lực; nhà đầu tư không nên dựa vào báo cáo trên để nghiên cứu cổ phiếu.
Theo thông tin mới cập nhật, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa thông báo dừng mọi khuyến nghị về cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) vì lý do “phân bổ lại nguồn lực nghiên cứu”.
Cụ thể, trong báo cáo cập nhật trước đó vào ngày 7/3/2022, VCSC đánh giá cổ phiếu GEX "phù hợp thị trường" với mức giá mục tiêu là 38.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện VCSC cho biết những dự báo và khuyến nghị về giá mục tiêu trước đó về cổ phiếu GEX không còn hiệu lực. Do đó, nhà đầu tư không nên dựa vào báo cáo trên để nghiên cứu cổ phiếu.
Đến 23h ngày 14/4/2022, công ty chứng khoán này đã phát thông báo dừng và gỡ bỏ các khuyến nghị cổ phiếu GEX trên website.
Chốt phiên giao dịch 14/4, thị giá GEX ở mức 36.000 đồng/cổ phiếu, giảm 8% so với đầu năm 2022 và giảm 28% từ đỉnh ghi nhận vào tháng 1/2022.
Cập nhật tại thời điểm 9h40 phiên sáng 15/4/2022, cổ phiếu GEX quay đầu giảm 2,5% về mức 35.100 đồng sau phiên leo trần ngay trước đó.
Theo ghi nhận trong thời gian qua, thị trường đã xuất hiện một vài tin đồn về doanh nghiệp khiến cổ phiếu chịu ảnh hưởng mạnh dù vừa đón nhận hàng loạt thông tin hỗ trợ tích cực đến từ kế hoạch kinh doanh năm 2022, niêm yết công ty con và chính sách cổ tức,... vừa được công bố thời gian gần đây.
Trước đó, ngày 12/4, GEX có công văn cho biết, trong tuần vừa qua, một số cá nhân đã lợi dụng sự việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt để đăng tải những thông tin thất thiệt, chưa kiểm chứng cho rằng cơ quan chức năng sẽ khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong đó họ cổ phiếu GEX trở thành nạn nhân của các cuộc bán tháo.
Bắt "chuyên gia tung tin đồn" Đặng Như Quỳnh vì "xâm phạm lợi ích Nhà nước"
CTCP Tập đoàn Gelex tiền thân là Tổng Công ty Thiết bị Kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện do Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) quản lý.
Ngày 1/12/2010, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần trong đó Bộ Công Thương là cổ đông Nhà nước sở hữu gần 80% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh gồm: Sản xuất công nghiệp thiết bị điện và vật liệu xây dựng; hạ tầng điện, nước, đầu tư phát triển bất động sản, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp,…
Đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương tiến hành thoái vốn và Tổng Công ty Thiết bị Kỹ thuật điện rơi vào tay tư nhân. Đến tháng 6/2021, doanh nghiệp này đổi tên thành CTCP Tập đoàn Gelex.
Đến cuối năm 2021, Gelex có số nợ phải trả hơn 40.691 tỷ đồng - gấp đôi vốn chủ trong đó nợ ngắn hạn hơn 22.974 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.717 tỷ đồng (riêng vay và nợ thuê tài chính hơn 22.121 tỷ đồng).
Những ngân hàng đang là chủ nợ (vay ngắn hạn) lớn nhất của GELEX gồm: VietinBank hơn 1.892 tỷ đồng, BIDV hơn 1.121 tỷ đồng, Vietcombank hơn 923 tỷ đồng,… Vay dài hạn có Vietcombank hơn 2.898 tỷ đồng, Techcombank hơn 1.090 tỷ đồng, Landesbank Baden-Wurttemberg hơn 1.627 tỷ đồng,…
Trong 2021, Gelex phải trả hơn 1.125 tỷ đồng lãi suất vốn vay.
Chi tiết cụ thể xem bài viết Họ Gelex (GEX) đi muôn nơi...