Cắt lỗ kịp thời và chuyển sang tìm cơ hội ở cổ phiếu khác là điều nên làm. Kể cả nhà đầu tư dài hạn cũng cần phải "cài" ngưỡng cắt lỗ của riêng mình để quản trị rủi ro.
Như một thói quen, cuối năm là thời điểm nhiều nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu danh mục trong đó phổ biến là hoạt động chốt lãi, cắt lỗ để dồn tiền về tài khoản, có thể rút ra một phần hoặc sẵn sàng mua vào những cổ phiếu tiềm năng.
Việc tái cơ cấu danh mục cần được xem xét kỹ trên nhiều phương diện trong đó quan trọng nhất là diễn biến của thị trường.
Thị trường đỏ thì tắt bảng giá, danh mục đỏ thì khóa sổ
“Tôi đang tính sẽ cơ cấu lại danh mục, phần vì một số cổ phiếu có lãi đã chốt lời và nhận tiền về tài khoản, phần vì có cổ phiếu hầu như bất động hoặc có vẻ kém tiềm năng trong thời gian tới”, anh Công, nhà đầu tư tham gia thị trường được hơn 1 năm chia sẻ.
Lý giải về điều này, anh Công cho biết, việc cơ cấu lại danh mục như một hành động khép lại năm cũ, chuẩn bị cho năm mới với những kỳ vọng tốt hơn. Kể cả việc thanh lý các cổ phiếu đang lỗ nhẹ thì tài khoản của anh vẫn giữ được màu xanh, mang đến cảm giác may mắn cho năm mới âm lịch.
Tương tự, chị Huyền, một nhà đầu tư mới (F0) khác cho hay, danh mục của chị đang có 2 mã cổ phiếu là TCB và HPG, mức lỗ hiện tại lần lượt là 11% và 14%. Đây là 2 mã chị xác định sẽ bán trong thời gian trước Tết Nguyên đán dù lãi hay lỗ. Lý do là bởi hai mã này chị đã giữ vài tháng nay, mua nhiều lần theo nguyên tắc trung bình giá và kỳ vọng vào khả năng sớm tăng trở lại nhưng niềm tin đó hiện giảm dần.
“Tôi đồng tình với quan điểm đánh giá TCB và HPG là cổ phiếu tiềm năng, nhưng đây cũng là những mã “nặng nề”, cần xác định nắm giữ trung và dài hạn mới có thể lãi cao. Trước đây, khi chọn TCB và HPG, tôi theo quan điểm đầu tư giá trị nhưng thực tế năm qua cho thấy, những cổ phiếu nhỏ mang lại nhiều lợi nhuận trong khi không ít cổ phiếu trụ tăng không đáng kể, thậm chí quay đầu. Đó là lý do tôi quyết định chuyển hướng sang đầu tư ngắn hạn trong năm mới”, chị Huyền nói.
Trước đó, tại Hội thảo "Nhận diện cơ hội và rủi ro 2022" tổ chức ngày 18/12/2021, ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh: "Kể cả cổ phiếu có nền tảng tốt nhưng nếu mua không đúng thời điểm cũng bị giảm giá mạnh".
Bám sát thị trường chứng khoán, ông Linh nhận định: "Rủi ro luôn tồn tại; nhà đầu tư chỉ có thể triệt tiêu rủi ro nếu không tham gia đầu tư. Do đó, mục tiêu của nhà đầu tư là phải giữ được tiền đã kiếm được, sửa chữa khi mắc sai lầm mặc dù rất quan trọng nhưng những điều này lại ít được quan tâm".
Bên cạnh việc chọn doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, chọn đúng thời điểm để mua cổ phiếu, một trong những yếu tố cơ bản ông Linh đưa ra để giúp quản trị rủi ro là áp dụng mức cắt lỗ tối đa 7 - 8% vì "chúng ta nghĩ sẽ bán khi cổ phiếu quay lại hòa vốn nhưng một khoản lỗ lớn bắt đầu bằng một khoản lỗ nhỏ; thua lỗ càng lớn thì càng khó để trở về điểm hòa vốn".
Rõ ràng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận bán cổ phiếu đi khi đang bị lỗ, vì báo cáo tài chính cho biết đó là "công ty đẹp để đầu tư", đặt tâm huyết khi mua. Tuy nhiên, cắt lỗ kịp thời và chuyển sang tìm cơ hội ở cổ phiếu khác là điều nên làm. Kể cả nhà đầu tư dài hạn cũng cần phải "cài" ngưỡng cắt lỗ của riêng mình để quản trị rủi ro.
"Mọi nguyên tắc trong đầu tư đều vô nghĩa nếu chúng ta không tuân thủ kỷ luật", ông Linh cho hay.
Nên ông Lê Quang Minh - Giám đốc phân tích MAS - cũng cho rằng, cần phải chấp nhận việc "cổ phiếu thân yêu có vốn hóa lớn nhưng giảm giá rất mạnh".
Hiện tại, ông Minh cho rằng thị trường đang rơi vào trạng thái "buồn ngủ". Song qua tháng 1/2022, khi các công ty chứng khoán dự kiến nới cho vay ký quỹ margin, thị trường có thể sôi động hơn.
"Đầu tư chứng khoán cũng giống đi săn. Có lúc phải khiêm tốn, ẩn mình chờ thời, khi nào thấy cơ hội đến thì mới ra. Không kiên nhẫn thì không chịu đựng được thị trường này", ông Minh cho hay.
Tỉnh táo thoát khỏi Fomo
Theo một chuyên gia phân tích, quan sát diễn biến thị trường nhiều năm qua, động thái tái cơ cấu danh mục cuối năm diễn ra khá phổ biến, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu danh mục cần được xem xét kỹ trên nhiều phương diện trong đó quan trọng nhất là diễn biến của thị trường.
Vị chuyên gia khuyến nghị, hiện nay, thị trường chưa có xu hướng tăng/giảm rõ rệt. Những lúc như thế này, nhà đầu tư nên giữ tỷ lệ danh mục cổ phiếu vừa phải trên tổng tài sản ròng. Sau đó, đợi đến khi thị trường có xu hướng rõ ràng hơn, có thể nhận biết được thì thực hiện các hoạt động mua - bán.
Thị trường luôn có nhiều cổ phiếu tiềm năng, do đó, nhà đầu tư cần tránh tâm lý vội vã, hoặc bị cảm xúc chi phối khi giao dịch. Nhà đầu tư nên biết rằng, kể cả khi thị trường tăng trưởng, hình thành xu hướng rõ nét, vẫn có nhiều cổ phiếu “chạy” sau, tăng sau. Mua cổ phiếu khi giá tăng thường có cơ hội thu lời cao hơn là mua khi giá giảm rồi chờ đợi giá phục hồi.
Anh Hùng - một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ, việc đám đông thích bán ra để chốt lời, rút tiền ra hoặc đợi sau Tết Nguyên đán sẽ tìm chọn cổ phiếu để mua vào hay cố cắt lỗ để làm đẹp danh mục sẽ mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư muốn đi ngược xu hướng.
“Vài năm gần đây, tôi thường thực hiện chốt lời từ tháng 10, tháng 11 dương lịch đối với các cổ phiếu không còn dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng giá sẽ kéo dài. Sau đó, tôi đợi đến thời điểm áp Tết sẽ thực hiện mua vào các cổ phiếu đã bán ra trước đó, nếu giá giảm xuống mức thấp”.
Nhà đầu tư này cũng cho biết thêm, các giao dịch của anh trong thời gian trước Tết chủ yếu là lướt sóng trong khi với nhiều người khác, việc lướt sóng thường được thực hiện ở các tháng khác trong năm. Tuy nhiên, giai đoạn nghỉ Tết cổ truyền, anh không hoàn toàn nắm giữ tiền mặt bởi thống kê cho thấy, những phiên sau Tết, thị trường thường tăng điểm.
Cổ đông ngoại muốn bán 8-9% vốn Techcombank, ước tính thu về hơn 14.000 tỷ đồng
Nhân viên Techcombank (TCB) lãi 50% sau một năm nhận cổ phiếu ESOP