[Chứng khoán cười] "Mình đã mua vào 500k HPG"... và cái kết

22-07-2022 23:31|Ba Lỗ

Sau vùng đỉnh 44.x đồng hồi cuối tháng 10/2021 (giá sau điều chỉnh), hiện thị giá cổ phiếu HPG đã giảm 50% về còn 22.x đồng. Đây cũng là mã gây sức ép lớn cản trở phần nào sự phục hồi của VN-Index 3 tháng trở lại đây.

Ngày 21/7/2022, trên diễn đàn chứng khoán, một tài khoản FB đã đăng tải trạng thái với tựa "Mình mua 500k HPG (tầm nửa triệu USD) hôm nay! Vì sao?".

Kèm với lời phi lộ này là quan điểm cá nhân của chủ tài khoản FB: "Loại chi phí lớn nhất để sản xuất một tấn phôi thép là quặng sắt (36%), than cốc (25%), khấu hao (14%), điện (6%), nhân công (4%), vận chuyển quặng sắt và than cốc lần lượt là 3% và 2%" con số tham khảo nhé!

Giá quặng lập đỉnh từ tháng 5 - 7 2021 sau đó cổ phiếu HPG cũng đạt đỉnh. Nay giá quặng đã giảm gần 60% từ đỉnh; giá than giảm từ 630 USD về còn 245 USD (giảm gần 60%); giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 21/7 là 3.848 nhân dân tệ/tấn (tương đương 569 USD/tấn) - tăng 1,2% so với ngày trước đó.

Về giá giao ngay, giá thép thanh vằn, thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội ngày 20/7 đồng loạt tăng.

Theo đó, đầu vào giảm sẽ giúp giảm chi phí qua đó làm biên lợi nhuận hồi phục tốt trong quý III/2022. Hàng bán ra vẫn chạy hết công suất trong khi giá thép tăng trở lại sẽ là yếu tố tích cực. Rất có thể, cổ phiếu HPG sẽ hồi lên vùng 25.000 - 30.000 sắp tới trong vòng 1 - 1,5 tháng tới".

Theo ghi nhận, với giá mua 22.400 đồng trong phiên 21/7, ước tính nhà đầu tư này đã phải bỏ ra khoảng 12,2 tỷ đồng để gom số cổ phiếu HPG nói trên.

Kết phiên 22/7, VN-Index giảm 3,71 điểm (-0,31%) xuống 1.194,76 điểm. Thanh khoản sàn HOSE lùi về mức 10.800 tỷ đồng qua đó ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Trong phiên này, nhóm thép lớn với HPG, HSG, NKG, đều đồng loạt giảm điểm qua đó gây sức ép cho chỉ số.

Với riêng cổ phiếu HPG, sau vùng đỉnh 44.x đồng hồi cuối tháng 10/2021 (giá sau điều chỉnh), hiện thị giá của mã đã giảm 50% về còn 22.x đồng. Đây cũng là cổ phiếu gây sức ép lớn cản trở phần nào sự phục hồi của VN-Index 3 tháng trở lại đây.

Trở lại với thông tin được được tải trên FB, hiện chưa xác định được độ chính xác của thông tin trên song với việc cổ phiếu HPG vừa có phiên giảm 2,2% về mức 22.200 đồng, tạm tính nhà đầu tư trên đã mất khoảng 100 triệu đồng sau phiên T+1.

Trên diễn đàn, thông tin đăng tải trên ngay lập tức nhận được sự chú ý từ các nhà đầu tư trong đó nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là động thái thu hút sự chú ý nhà đầu tư từ phía đội lái.

Theo quan sát, giá cổ phiếu HPG hiện đang đinh ngang quanh đường MA20 vùng 22.000. Các đường MA50 - 100 - 200 vẫn có xuống hướng lao xuống qua đó chưa cho thấy triển vọng hồi tích cực của mã này. Ngoài ra, thanh khaorn trung bình phiên đối với cổ phiếu HPG thời gian qua cũng ghi nhận giảm mạnh, thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi cũng như dự báo mức lợi nhuận giảm có thể sẽ khiến cổ phiếu này chưa thể hồi phục tích cực trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư cần chú ý quan sát vùng giá quanh ngưỡng 22.000 - 24.000 đồng trước khi đưa ra các quyết định mua bán.

Giá thép tiếp tục giảm mạnh

Ngày 22/7/2022, nhiều doanh nghiệp thép thông báo hạ giá sản phẩm đến 360.000 đồng/tấn. Đây là lần thứ 10 liên tiếp giá thép giảm trong vòng 10 tuần.

Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn xuống còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn.

Diễn biến giá thép Việt Ý (Nguồn: Steel Online)

Với thép Việt Đức, 2 loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn.

Với thép Kyoei, giá hôm nay là 15,5 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn theo thứ tự.

Theo quan sát, chỉ trong 10 tuần, giá thép giảm 10 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,6 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền. Việc giá thép liên tục giảm được nhận định sẽ khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp thép giảm mạnh trong quý II/2022 cũng như thời gian tới.

Trước đó, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 hồi tháng 5, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long từng chia sẻ việc ngành thép đang không thuận lợi trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine làm tăng giá than đồng thời chính sách Zero Covid của Trung Quốc làm giảm đáng kể nhu cầu thép. Ông Long dự báo kết quả kinh doanh quý II của ngành thép sẽ rất thê thảm.

Những doanh nghiệp đầu tiên báo kết quả đi lùi

Trước việc giá thép sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp ngành thép báo lãi giảm mạnh trong 6 tháng năm 2022, thậm chí đã có doanh nghiệp báo lỗ.

CTCP Thép Mê Lin (Mã MEL) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với ghi nhận doanh thu đạt hơn 162 tỷ đồng - giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm 93% còn 1,7 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu MEL tăng 25% lên 411 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng. Theo MEL, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thép thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, doanh thu giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.

CTCP Gang thép Cao Bằng (Mã CBI) và CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (Nã TIS) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận sụt giảm tới 90%.

Cụ thể, CBI ghi nhận doanh thu thuần 499 tỷ đồng - lao 50% so cùng kỳ; lãi ròng vỏn vẹn gần 18 tỷ đồng - giảm 88% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Gang thép Cao Bằng giảm gần 14% về còn 1.318 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 80% về 43 tỷ đồng.

Với Tisco, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty ghi nhận mức 6.923 tỷ đồng - tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng. Các kết quả này đều cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm.

Tồi tệ hơn, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (Mã TDS) đã báo lỗ do ảnh hưởng của giá thép đi xuống. Trong quý II/2022, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 357,72 tỷ đồng - giảm 45,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 1,99 tỷ đồng so với mức lãi 34,14 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý 2 đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh đã dẫn tới Công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng đến giá vốn.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.111,92 tỷ đồng - giảm 11,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,07 tỷ đồng - giảm 87,1% so với cùng kỳ.

Tại báo cáo ngành thép vừa cập nhật, Chứng khoán Mirae Asset nhận định sẽ có 4 rủi ro mà ngành thép phải đối diện gồm rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu, rủi ro về lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm, rủi ro về các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường xuất khẩu và rủi ro về chính sách.



Siêu dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) đón loạt tin vui

Chi hơn 2.200 tỷ vào dự án container 'Made in Vietnam', Hòa Phát (HPG) có lợi thế gì tại sân chơi mới?

Bài thuộc chủ đề Sắt thép
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-cuoi-minh-da-mua-vao-500k-hpg-va-cai-ket-141459.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    [Chứng khoán cười] "Mình đã mua vào 500k HPG"... và cái kết
    POWERED BY ONECMS & INTECH