Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 18/4/2022 đóng cửa trong sắc đỏ nhẹ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp rục rịch công bố kết quả kinh doanh quý I.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 39,54 điểm xuống còn 34.411,69 điểm; S&P 500 giảm 0,02% xuống 4.391,69 điểm; Nasdaq Composite mất 0,1% còn 13.332,26 điểm.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ giao dịch giằng co trong ngày 18/4, sau khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ cuối năm 2018, có thời điểm cán mốc 2,884%.
Lợi suất trái phiếu tăng mạnh từ mốc 1,71% đầu tháng 3 sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan điểm quyết liệt thắt chặt chính sách. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán, làm dấy lên tâm lý lo lắng về một giai đoạn suy thoái phía trước.
Đà tăng giá hàng hóa trong phiên 18/4 cũng khiến cho không ít nhà đầu tư lo lắng về tình hình lạm phát và mức độ thích ứng của doanh nghiệp. Giá ngô chạm ngưỡng cao nhất 9 năm. Giá khí đốt cũng tăng lên ngưỡng cao nhất từ năm 2008.
Nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả mùa báo cáo lợi nhuận. Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, nhấn mạnh rằng kỳ vọng lợi suất cổ phiếu phòng hộ tăng trong thời gian qua trong khi dự báo quý I đối với các cổ phiếu tăng trưởng diễn biến theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, mức giảm này không lớn và còn quá sớm để đưa ra các quyết định điều chỉnh lớn.
Kết quả kinh doanh quý I của Bank of America (BoA) cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu giảm 13% so với cùng kỳ năm trước đó cho dù các kết quả khác cao hơn đôi chút so với dự báo. Cổ phiếu của BoA tăng 3,4%, kéo theo giá cổ phiếu của JPMorgan Chase và Wells Fargo tăng hơn 1%.
Trước khi mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu, 81,5% các doanh nghiệp trên sàn S&P 500 công bố mức tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu cao hơn kỳ vọng, theo FactSet.
Hiện tại, khoảng 7,5% các doanh nghiệp đã báo cáo kết quả.
Các chuyên gia của FactSet nhận định lợi nhuận quý I năm nay sẽ tăng 5,3% sau khi toàn bộ 500 doanh nghiệp trên sàn kết thúc báo cáo. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley cho rằng kết quả báo cáo lợi nhuận quý I có thể sẽ gây ra đôi chút thất vọng.
Các nhà đầu tư cũng đang quan tâm tới định hướng chính sách thị trường tiền tệ (forward guidance) và đặc biệt là cách mà các doanh nghiệp đối phó với lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 của Mỹ chạm ngưỡng 8,5%, cao nhất kể từ tháng 12/1981.