Sự việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết mới đây chính là lời cảnh báo các cơ quan làm luật - cần có những chế tài mạnh tay hơn để xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch và vững mạnh.
Những ngày này, câu chuyện liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết – bán chui hàng chục triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin tiếp tục trở thành câu chuyện chứng khoán đáng chú ý đầu năm 2022. Hệ quả từ hành động trên có thể được thấy rõ khi tâm lý rất nhiều nhà đầu tư đang trở nên hoang mang cực độ.
Theo đó, trong chiều ngày 10/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Trước tình hướng này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu HOSE hủy bỏ toàn bộ giao dịch cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết trong phiên 10/1.
Điểm lại trong quá khứ, đây cũng không phải lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết dính đến việc giao dịch "chui" cổ phiếu.
Trước đó vào tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới các giao dịch cổ phiếu đối với ông Trịnh Văn Quyết vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20 - 24/10/2017.
Chiếu theo thị giá cổ phiếu khi đó, ông Trịnh Văn Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỷ đồng theo giá thị trường từ đợt bán "chui" cổ phiếu này. Tuy nhiên, số tiền mà đại gia Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì hành vi bán chui 57 triệu cổ phiếu khi đó chỉ là 65 triệu đồng.
Điểm lại sơ qua trong năm 2021, còn nhớ hồi tháng 7/2021, giới đầu tư cũng từng rầm rộ với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông T.N.B. (Hà Nội) do ông B. đã không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch đối với cổ phiếu VPB của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Số tiền phạt của ông B. lên tới hơn 940 triệu đồng, xấp xỉ ngưỡng 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, SSC còn áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung, cụ thể là đình chỉ giao dịch chứng khoán đối với ông B. trong thời hạn 4 tháng.
SSC cho biết, ông B. đã không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch đối với cổ phiếu VPB của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, trong tháng 1/2021, ông B. đã mua hơn 1,48 triệu và bán 59 nghìn cổ phiếu VPB. Sau đó trong tháng 2/2021, ông tiếp tục mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB. Sang ngày 3/3/2021, ông B. mua thêm 59.000 cổ phiếu VPB. Toàn bộ những giao dịch trên đều không được công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Ngày 4/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Nguyễn Quốc Huân (Johan Nyvene) - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán TP. HCM - HSC (HCM).
Cụ thể, ông Huân bị phạt 20 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Trong tháng 3 và tháng 4/2021, ông Huân đã thực hiện bán ra mỗi lần 20.000 cổ phiếu HCM, tổng cộng bán ra 40.000 cổ phiếu nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.
Mới đây , trong ngày 29/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Ngọc Quân (Hà Nội) với số tiền 125 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định của pháp luật khi vào ngày 16/7/2018, ông Quân đã mua 8.642.000 cổ phiếu HBS của CTCP Chứng khoán Hòa Bình, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 0% lên 26,19% vốn HBS nhưng không thực hiện chào mua công khai theo quy định.
Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 16/7/2018, cổ phiếu HBS có giao dịch thỏa thuận với lượng đúng bằng số cổ phiếu HBS ông Quân mua vào, giá mua bình quân là 2.300 đồng/cổ phiếu, trị giá gần 20 tỷ đồng. Sau khi bán ra 642.000 cổ phiếu trong ngày 25/7, ông Quân còn nắm giữ hơn 8 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 24,24%) đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu tính tại mức giá thị trường hiện nay của cổ phiếu HBS là 15.200 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phần ông Quân nắm giữ hiện tại có giá trị lên tới 122 tỷ đồng - tăng hơn trăm tỷ đồng (gấp 6 lần) so với giá mua vào.
Có thể thấy rất nhiều trường hợp mua bán cổ phiếu "chui" đã và đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam bất chấp mức phạt lên đến tiền tỷ cũng đã có tiền lệ.
Bên cạnh đó, những vụ việc vi phạm liên quan đến mua bán cổ phiếu không công bố thông tin lại đi kèm thêm việc giá cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí nằm sàn liên tiếp khiến cổ đông không có thời gian chuẩn bị tâm lý trước, cảm giác bức xúc vì như bị đánh "úp" và không kịp trở tay.
Mới nhất, chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 hồi đầu tháng 1/2022, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên UBCKNN đã giảm bớt các đoàn kiểm tra định kỳ nhưng gia tăng các đoàn kiểm tra đột xuất đối với các diễn biến phức tạp trên thị trường.
Theo đó, trong năm 2021, UBCKNN đã ban hành tất cả là 471 quyết định xử phạt hành chính, hiện đang phối hợp với Bộ Công an xử lý 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Theo bà Bình, các hành vi vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin vẫn luôn có số lượng nhiều nhất trên thị trường, những hành vi này thì chủ yếu bắt nguồn từ việc các chủ thể, các đối tượng tham gia thị trường người ta chưa nắm được hết các quy định pháp luật, chưa quan tâm đến việc thực hiện các quy định pháp luật một cách chủ động.
Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện nhiều các hành vi vi phạm có dấu hiệu của hoạt động thao túng; nhiều giao dịch tương đối bất thường tại một số loại cổ phiếu.
Có thể nói, sự việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết mới đây chính là "phát súng lệnh" mở màn cho thị trường chứng khoán năm 2022 đồng thời cũng là lời nhắc nhở các cơ quan làm luật - cần có những chế tài mạnh tay hơn để xây dựng một thị trường minh bạch và vững mạnh.